
(SGGPO).- Cơn bão số 11 gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã làm cho nước lũ trên các sông Ayun và sông Pa (tỉnh Gia Lai) dâng cao trên mức báo động khẩn cấp từ 1 đến 3 m, nhấn chìm hàng nghìn hộ dân và gần như toàn bộ hoa màu của các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Đã có 4 người chết do nước lũ.
Hàng nghìn hộ dân bị nhấn chìm
Mưa lớn kéo dài từ 13 giờ ngày 2-11 đến 7 giờ sáng nay (3-11) gần như nhấn chìm thị xã Ayun Pa (Gia Lai). Lượng mưa đo được trung bình từ 136,5mm. Nước lũ trên các sông suối trên địa bàn bắt đầu dâng cao. Đỉnh lũ trên dòng sông Ba đoạn qua cầu Bến Mộng đo được lúc 7 giờ sáng đạt cao trình 158,04m, trên mức báo động 3 là 3,04 m (biên độ lũ 7,26m), vượt đỉnh lũ lịch sử tháng 10 -1988 là 0,07m và đang còn tiếp tục lên nhanh...

Nước lũ bất ngờ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân Gia Lai. Trong ảnh: Trống trường trôi trên sông Ba.
Mạng điện thoại đi các xã trên địa bàn hoàn toàn bị cắt đứt. Tại buôn A Ma Dương, phường Đoàn Kết và tổ dân phố 5 phường Hòa Bình (TX.Ayun Pa), nước ngập lên tận mái nhà của hàng chục hộ dân dọc hai bên đường Hùng Vương dẫn ra cầu Bến Mộng. Ở xóm Bến Mộng, nước ngập lút nóc nhà dân, mấp mé mặt cầu Bến Mộng; dòng sông cuộn réo, cuốn theo hàng ngàn bao lúa và vật dụng của người dân. Nhiều chiếc trống trường cũng bị nước lũ cuốn trên sông Ba.
Ông Châu Ngọc Tuấn – Bí thư Thị ủy Ayun Pa cho biết: Từ 3 giờ sáng các lực lượng cứu hộ của thị xã đã huy động 2 ca nô cứu hộ và lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp 150 hộ, 750 người dân ở khu vực xóm Lò Gạch (phường Đoàn Kết) và các xóm dọc theo sông Ba thuộc phường Sông Bờ, xã Ia Sao lên khu vực an toàn.
Hiện tại còn khoảng 400 hộ với gần 2.000 người dân ở khu vực đập tràn phường Cheo Reo, buôn A Ma Dương, phường Đoàn Kết, buôn Hoang 1,2 xã Ia Sao, thôn Đức Lập, Tân Lập xã Ia Rtoo đang phải di dời vì nước lên nhanh.
Đường vào xã Ia Yeng, Chư A Thai đã bị nước lũ cắt đứt nhiều đoạn, nước dâng cao cô lập hoàn toàn 2 xã này với bên ngoài. Thôn Plei KsingB xã Ia Piar sát bên bờ sông Ayun bị ngập chìm trong nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện, cho biết: lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang tập trung lực lượng để di dời các hộ dân vùng ngập lụt này lên khu vực an toàn.
Tại huyện Ia Pa, theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão huyện, nước lũ dâng cao trên sông Ayun và sông Pa đã gây ngập úng một loạt xã dọc theo 2 bên sông. Tỉnh lộ 662 bị nước lũ dâng cao ngập sâu hơn 1 m đoạn gần cầu Quý Đức và xã Ia ma Rơn, cắt đứt giao thông, cô lập huyện Ia Pa với bên ngoài. 4 xã bên kia sông Ba gồm Ia Broai, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm bị ngập chìm trong nước. Nhiều buôn làng bị nước ngập đến nửa nhà sàn.

Nhà dân ở Bến Mộng (Ayun Pa) ngập chìm trong nước lũ
Lúc 9 giờ ngày 3-11, ông Nay Hen –Bí thư Đảng ủy và Ksor Ba chủ tịch UBND xã Ia Broai bị cô lập trong trụ sở UBND xã, phải gọi điện ra ngoài nhờ ca nô cứu hộ vào giải cứu. Anh Tưởng, Xã đội trưởng, trên đường đi cứu trợ dân đã bị nước lũ xô ngã bất tỉnh, được anh Hảo –Phó chủ tịch UBND xã cùng đi cõng trèo lên cây, gọi ca nô đến cứu hộ an toàn.
Nước lũ cũng dâng cao làm ngập hàng chục hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Ayun thuộc xóm chùa gần cầu Quí Đức, xã Ia Trốk. Đặc biệt nghiêm trọng có 4 người dân bị nước lũ dìm chết (xã Ia Trốk 3 người, xã Kim tân 1 người). Trong đó có 1 học sinh lớp 6 trên đường đi học trên tỉnh lộ 662 bị nước lũ cuốn trôi mất tích vào sáng 3-11, đến nay chưa tìm thấy xác. Một học sinh khác đi học về qua đây cũng bị nước lũ cuốn trôi, may mắn vướng vào trụ điện giữa đồng và được lực lượng cứu hộ cứu.
Ông Đinh Xuân Duyên –Phó trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Krông Pa cho biết: Quốc lộ 25 bị ngập nước, chia cắt nhiều đoạn, nặng nhất là đoạn qua xã Chư Gu. Nước sông Ba tràn qua đường, ngập từ 1-2m kéo dài gần 1 cây số. Nhiều tuyến đường giao thông bị cắt đứt, cô lập 5 xã phía Nam sông Ba là Uar, Ia Hdreh, Ia Rmok, Krông Năng, Ia Rsai, Mlá, Đất Bằng. Các tuyến đò ngang phải dừng hoạt động từ 2 ngày qua. Hiện lực lượng cứu hộ của huyện đang tập trung đưa các hộ dân lên khu vực an toàn. Huyện chỉ đạo các xã xuất ngân sách mua mì tôm, gạo cứu đói khẩn cấp cho các hộ dân trong diện di dời và những hộ bị ngập hết lương thực.
Tập trung cứu mạng người dân vùng lũ
Tỉnh lộ 662 nước lũ dâng cao trên 1 mét ở nhiều đoạn, đã cô lập huyện Ia Pa với bên ngoài. Quốc lộ 25, nước lũ dâng cao 1-2 mét cắt đứt giao thông cô lập huyện Krông Pa…. Theo nhận định của “ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tiền phương” đóng tại thị xã Ayun Pa do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng trực tiếp chỉ đạo, có hàng ngàn hộ dân ở khắp trong vùng bị nước lũ dâng cao cần phải ứng cứu, di dời khẩn cấp.
Ngay trong buổi sáng 3-11, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng và Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu, đã cùng với lãnh đạo các sở ngành của tỉnh trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo cứu hộ dân tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa.
Chủ tịch UBND tỉnh đã ra lệnh huy động 2 ca nô cứu hộ của Sư đoàn 320 (Binh Đoàn Tây Nguyên), 2 xe thiết giáp lội nước, 3 ca nô cứu hộ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, 1 ca nô của Hồ Ayun Hạ, 2 ca nô của thị xã Ayun Pa cứu hộ người dân dọc sông Ayun và sông Ba.

Thị xã Ayun Pa cũng được lệnh xuất ngân sách thu gom toàn bộ mì tôm trên địa bàn Ayun Pa để tiếp ứng cho người tại chỗ và ưu tiên cứu trợ cho người dân huyện Ia Pa đang bị cô lập, ngập chìm trong nước lũ.
Các đội y tế cấp cứu dã chiến đã được gấp rút thành lập tại đầu cầu Quý Đức và Bến Mộng và cùng ca nô cứu hộ vượt lũ tiếp cận các buôn làng thuộc xã Chư Mố, Ia Broai, Ia Troosk …huyện Ia Pa.
Nước lũ trên sông Ayun và Sông Ba vẫn đang tiếp tục dâng cao. Hàng nghìn người dân ở các xã Ia Broai, Chư Mố, Ia Tul, Ia Kdăm huyện Ia Pa vẫn đang bị cô lập trong biển lũ.
Công tác cứu hộ, di dời dân bị ngập lụt vẫn đang được tiến hành gấp rút. Chưa có được con số thống kê đầy đủ thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, tuy nhiên dự báo mức thiệt hại của trận lũ lịch sử này là rất lớn đối với tỉnh Gia Lai.
Bài và ảnh: Sông Lam