Các cuộc biểu tình tiếp diễn ở Ai Cập bất chấp sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Hosni Mubarak. Giờ đây, Yemen cũng vậy, Tổng thống Ali Abdullah Saleh đồng ý từ chức sau 33 năm cầm quyền, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường.
Không dễ thay đổi toàn bộ
Một thỏa thuận của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được Mỹ ủng hộ đã dọn đường để Tổng thống Yemen từ chức. Ông Saleh đã ký vào thỏa thuận này tại Riyadh, thủ đô Saudi Arabia, theo đó trong vòng 30 ngày tới ông sẽ chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống. Thế nhưng, chỉ một ngày sau, ngày 24-11, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tiếp tục làm 5 người chết. Hơn ai hết, người dân Yemen hiểu rõ họ thật sự cần gì.
Tổng thống Saleh từ chức, nhưng một hệ thống do ông tạo ra trong suốt hơn 3 thập niên cầm quyền khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia Ibrahim Sharqieh, thuộc trung tâm Brooking Doha: “Thỏa thuận nói trên thực tế tạo cơ hội cho chính quyền Yemen tồn tại. Điều duy nhất chúng ta nhận thấy có sự thay đổi ở đây là tổng thống từ chức, nhưng các cơ quan nhà nước và mọi thứ vẫn như cũ”. Hơn thế nữa, theo thỏa thuận trên, ông Saleh còn được miễn trừ truy tố. Đây là điều mà những người biểu tình không chấp nhận vì tội ác của ông Saleh khi bắn vào người biểu tình cũng như tội tham nhũng của ông.
Thực sự là trong suốt thời gian cầm quyền, ông Saleh đã khôn khéo dùng sức mạnh đoàn kết các thủ lĩnh bộ tộc và khu vực, cũng như chọn những người thân tín vào những vị trí chủ chốt. Ông cũng được Mỹ và nhiều nước phương Tây khác tài trợ chống Al-Qaeda. Yemen là nước Arab nghèo, nhưng gia đình của ông Saleh thì không.
Theo AP, nhiều khả năng ông và gia đình có một lượng tài sản kếch xù gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Dù gì đi nữa, Mỹ không muốn thay đổi quá nhiều ở Yemen, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu hợp tác chống khủng bố nơi tuyến đầu của quân Al-Qaeda. Chưa kể là một khi Yemen rơi vào khoảng trống quyền lực sẽ trở thành cơ hội để Al-Qaeda lên nắm quyền. Là nước láng giềng với Yemen, Saudi Arabia cũng rất lo ngại nền an ninh Yemen sụp đổ sẽ lan sang họ.
Giới quân sự Ai Cập không từ bỏ quyền lực
“Mùa xuân Arab” đến nay đã lật đổ được lãnh đạo tại các nước Tunisia, Ai Cập, Libya. Nếu tính luôn Yemen là 4 nước. Ngoài Tunisia, tình hình có vẻ tạm yên sau cuộc tổng tuyển cử, số còn lại đều chưa thấy lối thoát. Ai Cập, một nước lớn ở Bắc Phi, tiếp tục bất ổn sau gần một năm Tổng thống Mubarak từ chức. Câu chuyện ở đây lại là giới quân sự.
Theo Reuters, ngày 25-11, lực lượng quân sự ở Ai Cập đã bác bỏ yêu cầu của người biểu tình đòi họ từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Thay vào đó họ vẫn tiếp tục vai trò giám sát trong tiến trình chuyển đổi chính phủ, cụ thể là cuộc bầu cử quốc hội vòng một ngày 28-11. Những gì mà Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đang thực thi hiện nay không khác gì với giai đoạn cầm quyền của ông Mubarak.
Ngoài ra, SCAF cũng đã chuẩn bị đưa 12.000 người ra tòa án binh, còn các tướng lĩnh hàng đầu của Ai Cập dưới thời Mubarak vẫn yên vị. Nhiều người biểu tình yêu cầu người đứng đầu SCAF, đô đốc Hussein Tantawi, phải rời khỏi chức vụ. Ông này đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng suốt 20 năm thời Mubarak. Tuy nhiên, các tướng lĩnh Ai Cập cảnh báo, đất nước sẽ chìm trong hỗn loạn nếu các vị tướng từ bỏ quyền lực ngay lúc này.
Thụy Vũ