Các nước giàu tích trữ vaccine để tư lợi

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 29-3 đã chỉ trích các nước giàu tích trữ vaccine Covid-19. Trong khi đó, muốn chấm dứt đại dịch phải phụ thuộc vào việc tiêm chủng.

Tăng tốc sản xuất vaccine

Ông A.Guterres cho rằng các nước giàu đang tư lợi khi xây dựng nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu của dân số nước mình trong khi hệ thống quốc tế viện trợ vaccine cho các nước nghèo (COVAX) đang gặp khó khăn: “Tôi rất lo ngại trước việc phân phối vaccine không công bằng trên thế giới”.

Ông A.Guterres khẳng định việc chấm dứt đại dịch phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho người dân toàn thế giới và kêu gọi ủng hộ cơ chế do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hỗ trợ để triển khai kế hoạch tiêm chủng toàn cầu.

Khi được hỏi về khả năng thông qua hộ chiếu vaccine, ông A.Guterres tỏ ra thận trọng khi nói rằng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào phải nghiêm túc thảo luận để đảm bảo công bằng và hợp tác hiệu quả trên quy mô toàn cầu. 

Trong khi đó, việc tăng tốc sản xuất vaccine giúp châu Âu thấy ánh sáng cuối đường hầm khi làn sóng Covid-19 thứ ba đang hoành hành châu Âu. Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton, người chịu trách nhiệm giám sát việc sản xuất vaccine, cho biết liên minh hiện có 52 nhà máy hoạt động 24/7 để sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Các nước giàu tích trữ vaccine để tư lợi ảnh 1 Các bệnh viện ở Paris (Pháp) báo động quá tải

Các nhà máy này có khả năng sản xuất và cung cấp cho các nước châu Âu 360 triệu liều dự kiến vào cuối quý 2 năm nay và 420 triệu liều cần thiết cho khả năng đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa tháng 7 tới. Theo Ủy viên Thierry Breton, châu Âu phải mất vài tuần nữa mới có thể hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2; đồng thời phải có một số lượng đáng kể người dân được tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa với việc cả châu Âu phải tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Phát hiện biến thể mới

Nhà sinh học CH Czech, Omar Sery, cũng là nhà sáng lập Elisabeth Pharmacon lab, thông báo công ty này đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Chuyên gia này nêu rõ: “Dựa vào sự sắp xếp chuỗi mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, phòng thí nghiệm của chúng tôi đã phát hiện ra sự đột biến chưa được mô tả của protein gai”. Tuy nhiên, đột biến mới không dễ lây lan và có thể được ngăn ngừa hiệu quả nhờ vaccine Covid-19 hiện nay.

Cùng ngày, giới chức cấp cao Pháp cảnh báo các bệnh viện của Paris sẽ sớm rơi vào quá tải do số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện dồn dập và có nguy cơ buộc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân.

Theo Reuters, 41 giám đốc bệnh viện tại vùng thủ đô Paris đã ký tên vào một bức thư ngỏ cảnh báo họ sẽ buộc phải lựa chọn bệnh nhân được điều trị tại khu chăm sóc đặc biệt dựa vào thứ tự nguy cấp. Các bác sĩ lưu ý quyết định này sẽ áp dụng với tất cả bệnh nhân, dù mắc Covid-19 hay các bệnh khác.

Các bác sĩ cũng khẳng định chưa bao giờ rơi vào tình huống này, ngay cả những lúc xảy ra tấn công khủng bố những năm gần đây. Cơ quan y tế vùng Paris đã yêu cầu các bệnh viện công nỗ lực tăng số giường bệnh để dành 2.200 giường cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tại các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) trong các bệnh viện Pháp tăng lên mức cao mới tính từ đầu năm đến nay. Đến nay, Pháp có tổng cộng 4.545.589 ca mắc, trong đó có 94.596 ca tử vong.

WB: Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu châu Á về hồi phục kinh tế

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo nhận định Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, trong khi các nước khác ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ mất nhiều năm hơn mới hồi phục kinh tế. Khu vực này sẽ có 3 tốc độ phục hồi khác nhau. WB cho rằng Việt Nam có hoạt động kinh tế nổi trội hơn so với các nước khác, với mức tăng trưởng năm nay dự báo lên đến 6,6%, tăng từ mức 2,9% của năm ngoái.

Tin cùng chuyên mục