(SGGPO).- Sáng nay 6-10, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã xuống ở mức báo động 1, báo động 2, nhưng hầu hết vẫn còn chìm trong nước lụt. Một số nơi nước lũ rút, người dân cùng chính quyền địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả. Lãnh đạo các tỉnh đã gửi văn bản kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thuốc men và phương tiện cứu hộ.
- Hà Tĩnh: Đề nghị hỗ trợ 60 tấn mì tôm
Tại Hà Tĩnh tính đến 12 giờ 30 trưa nay, 6-10, tại hai vùng “rốn lũ” huyện miền núi Hương Khê vẫn còn 12/22 xã và 7/12 xã ở huyện Vũ Quang bị nước cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Trong khi đó, mực nước trên các sông tuy có giảm nhưng rút rất chậm, tại Chu Lễ trên sông Ngàn Sâu lúc 7 giờ là 13,38m (dưới mức báo động 3, 0,12m), tại Hoà Duyệt 10,94m (vượt mức báo động 3 là 0,44m), tại Linh Cảm trên sông La 5,0m (vượt báo động 1 là 0,51m)…
Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo cho huyện Hương Khê, Vũ Quang cho toàn bộ học sinh các cấp được nghỉ học.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã trích khẩn cấp 1 tỷ đồng, 1 tấn mì tôm cho huyện Hương Khê, 300 triệu đồng cho huyện Vũ Quang, 10 tấn mì tôm cho huyện Cẩm Xuyên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và một số đơn vị trên địa bàn cũng đã vận chuyển khẩn cấp gần 10 tấn mì tôm, nước uống lên huyện Hương Khê và Vũ Quang để kịp thời cứu trợ cho dân.
Để ứng phó kịp thời với tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh sau lũ, sáng nay Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 4.000 gói Orazol, 80.000 viên Quatat, 5.400 viên Hazipro và 40.000 viên CloraminB, 210kg CloraminB dạng bột cho bốn huyện Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ và Hương Sơn để xử lý môi trường, nguồn nước sinh hoạt và phòng chống dịch bệnh…
Sáng 6-10, người dân xóm 1, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã phát hiện thi thể anh Cao Văn Phương (SN 1968) ở xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trôi dạt vào bờ biển đoạn gần lạch Đông Kèn Trước đó, ngày 4-10, anh Cao Văn Phương đi trên thuyền đánh cá mang biển hiệu TS 3280 NA, chủ tàu là ông Nguyễn Đình Miêng, SN 1960, trên tàu có 7 ngư dân khác trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu đi đánh bắt cá trên biển bất ngờ bị sóng đánh chìm, 7 người trên tàu được cứu sống, riêng anh Phương bị mất tích nay mới tìm được thi thể. |
Ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Bão lụt tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất Ban Chỉ đạo Phòng chống Bão lụt Trung ương, các cấp bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp trước mắt cho tỉnh Hà Tĩnh 60 tấn mì tôm, 8.000 thùng nước khoáng, 1.000kg hóa chất xử lý nước sinh hoạt, sản xuất, cho người dân vùng lũ.
Tính đến thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh đã có thêm một người chết, đó là cháu Trần Trung Hiếu, SN 2007, ở xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, nâng tổng số người chết ở toàn tỉnh lên con số 8 người.
Ngoài việc tỉnh hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 6 triệu đồng/người chết, bị thương 1,5 triệu đồng/người thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/người chết và 1,5 triệu đồng/người bị thương.
Theo thống kê ban đầu từ Ban Chỉ huy Phòng chống Bão lụt tỉnh Hà Tĩnh, tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ này khoảng 353 tỷ đồng, 17.557 hộ dân bị ngập chìm trong nước, trong đó 1.881 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 1.708ha lúa mùa, 2.412ha ngô đồng, 700 ha khoai đông, 31ha lạc, 1.638ha ràu màu bị hư hỏng hoàn toàn, 32.150 con gia cầm bị trôi, 390.500m³ công trình thủy lợi, 305.500m³ công trình giao thông và 638 cầu, cồng bị sạt lở và cuốn trôi, 31 trạm y tế, 71 trường học… bị hư hỏng nghiêm trọng, 1.858 trụ điện trung, hạ thế bị gãy đổ, 144.4km đường dây bị đứt…
Công trình thuỷ điện Hố Hô bị hư hỏng 1 tổ máy, toàn bộ nhà máy phát điện sau đập và hai bên mang tràn bị xói lở nghiêm trọng.
- Quảng Bình: Lũ dữ làm 26 người chết
Mưa to lũ lớn đã làm đường Hồ Chí Minh tuyến đông Trường Sơn bị sạt lở nặng, hơn 50.000m³ đất đá vùi lấp mặt đường cộng với nước lũ đã làm hàng cây số bị ngập sâu hơn 3m đã khiến cung đường hoàn toàn tê liệt. Trong khi đó, quốc lộ 1A đoạn từ Bố Trạch vào Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, bị bị ngập sâu khiến xe cộ ách tắc hàng chục cây số.
Tuyến đường sắt qua tỉnh Quảng Bình bị nước cuốn trôi 5 điểm. Trong đó, nặng nhất là đoạn 496+500 qua xã Thọ Lộc (Bố Trạch) bị nước xô trôi dài hơn 300m, 4 điểm khác ở huyện Tuyên Hóa bị lũ xô trôi các đường ray khiến các thanh ray hư hỏng nặng. Theo Công ty Quản lý Đường sắt Bình Trị Thiên thì nếu được chi viện đầy đủ nhân lực, phương tiện thì phải mất từ 3 đến 5 ngày tuyến đường sắt này mới có thể thông tuyến.
Hiện, tại Quảng Bình tất cả các tuyến đường đã bị tê liệt, chỉ duy nhất đường không vận bằng trực thăng là có thể sử dụng. Tối qua, hai chuyến máy bay trực thăng đã vận chuyển hơn 2 tấn mì tôm đi cứu đói khẩn cấp đồng bào vùng lũ các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.
Riêng huyện Minh Hoá cho đến sáng nay vẫn chưa thể tiếp cận được.
Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Bình thì đến trưa nay, tại tỉnh Quảng Bình đã có 26 chết.
- Quảng Trị: Hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tấn gạo và 3.000 áo phao cứu sinh
Theo báo cáo mới nhất từ Ban Phòng chống Lụt bão huyện Hải Lăng - huyện ngập sâu nhất ở Quảng Trị, thì toàn huyện có 6.900 hộ, 1.000 ha lúa và hoa màu bị ngập sâu trong lũ nhiều ngày.
Do bị nước lũ ngâm dài ngày không rút nên mọi sinh hoạt, giao thương với người dân với bên ngoài bị cách ly, đã ảnh hưởng không ít đến đời sống của người dân, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ là rất cao. Huyện đã trích một phần ngân sách để cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kịp thời hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại (hộ cao nhất 2 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng) để an ủi, động viên người dân.
Liên tục hai ngày qua, hơn một ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Trị và Sư đoàn 968 đã hành quân về vùng lũ giúp dân. Trong đêm ngày 4-10, các chiến sĩ công an huyện Hướng Hóa đã tìm được 2/4 nạn nhân còn sống trong vụ sập nhà tại xã Tân Hợp để đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Với phương châm “Nước rút đến đâu khắc phục nhanh, có hiệu quả đến đó”, chính quyền và nhân dân vùng lũ trên địa bàn đã được huy động để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước mắt, ưu tiên ổn định cuộc sống và làm tốt việc cứu trợ, hỗ trợ cho các gia đình có người bị chết, bị thương và nhà sập, xiêu vẹo, tốc mái. Đồng thời, nghiêm cấm việc vớt củi, gỗ và các hoạt động tại các vị trí sông suối, luồng lạch có dòng chảy mạnh khi nước lũ đang rút để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho Quảng Trị 1.500 tấn gạo và 3.000 áo phao cứu sinh.
- Thừa Thiên- Huế: Thông xe tuyến đường đường Hồ Chí Minh
Đầu giờ sáng nay, điểm sạt lở nặng nhất trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Hồng Vân (huyện A Lưới) đã được thông xe. CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế tiếp tục huy động tối đa lực lượng cùng các phương tiện xe ủi, máy xúc khắc phục các điểm sạt lở khác.
Thành phố Huế và trung tâm các huyện vùng ven đứng trước nguy cơ thiếu rau xanh khi 2 ngàn ha rau màu các loại tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà bị ngập úng trong mưa lũ.
Hiện, mưa lũ đã giảm, nước bắt đầu xuống chậm, nhưng các tuyến tỉnh lộ10A, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 11B, tỉnh lộ 14B, tỉnh lộ 16, đường Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền) vẫn còn bị ngập, giao thông đi lại chủ yếu bằng thuyền, hết sức cách trở.
Với phương châm, lũ rút đến đâu vệ sinh môi trường ngay đến đó để hạn chế các loại bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy lây lan, sáng nay, bà con các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền đã phối hợp cùng các lực lượng xung kích địa phương như đoàn thanh niên, dân quân, các đội y tế lưu động tiến hành khử trùng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống và thu gom rác thải và bùn nhão trên đường, khu dân cư sau khi lũ rút... Học sinh trên địa bàn đã quay trở lại trường lớp sau hai ngày nghỉ học tránh mưa lũ.
Ông Trần Kim Thành, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão & Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ước tính thiệt hại từ trận lũ vừa qua trên 42 tỷ đồng. Địa phương đã có văn bản kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 10 tấn mỳ tôm để giải quyết cho nhân dân trong vùng bị ngập lụt. Hỗ trợ 1.000 phao áo phục vụ cứu hộ, cứu nạn và di dời dân. Hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn gồm 2 tàu 240CV chạy bằng dầu dilzen và 7 ca nô cao tốc 85CV.
Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trong mấy ngày qua đối với ngành giao thông khoảng 19,008 tỷ đồng...
- BIDV ủng hộ 7 tấn mì ăn liền cho đồng bào miền Trung
Ngày 6-10, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã khẩn trương thực hiện các chương trình cứu trợ khẩn cấp đối với các địa phương bị lũ lụt gây thiệt hại nặng vừa qua. BIDV đã quyết định ủng hộ 7 tấn mỳ ăn liền để cứu đói khẩn cấp cho ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Trong đó, tỉnh Quảng Bình 3 tấn, Hà Tĩnh và Quảng Trị mỗi tỉnh 2 tấn.
Để kịp thời đưa lương thực cứu đói đến đồng bào gặp nạn, BIDV cũng đã chỉ đạo các chi nhánh trên các địa bàn nói trên khẩn trương tổ chức thực hiện ngay trong ngày. Đồng thời, Công đoàn BIDV cũng đang khẩn trương thực hiện quyên góp tiền bạc, quần áo, sách vở và các vật dụng sinh hoạt từ cán bộ công nhân viên chức để có thể hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho đồng bào các tỉnh bị thiên tai ngay sau khi lũ rút.
* Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lũ
Ngày 6-10-2010, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Công điện khẩn số 1817/CĐ-TTg điện: UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế; Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương; Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Toàn văn Công điện như sau:
Mưa lớn đã gây lũ, ngập lụt trên diện rộng, chia cắt nhiều khu dân cư tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế. Để kịp thời cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lũ, xét đề nghị của UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Thủ tướng yêu cầu:
1. UBND các tỉnh ứng ngân sách địa phương để huy động mì tôm, nước uống đóng chai trên địa bàn và trong khu vực để kịp thời cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng với số lượng cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh (50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước), tỉnh Quảng Bình (50 tấn mỳ tôm, 50.000 lít nước), tỉnh Thừa Thiên-Huế (10 tấn mỳ tôm). Tổ chức cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào bị thiệt mạng do đói, khát.
2. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương hoàn trả số kinh phí tạm ứng và khắc phục hậu quả mưa lũ.
* Ngành Công an giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 6-10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Công an) đã gửi Công điện khẩn số 551 tới các Tổng cục, Bộ tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công an; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Bình Thuận tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là khu vực miền Trung hiện nay.
Theo đó, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an yêu cầu Giám đốc Công an các tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; Công điện số 15/HT ngày 4/10/2010 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an, phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét để tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Lực lượng Công an của địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ; phối hợp với các lực lượng tại địa phương tiếp tục tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người mất tích, bị nạn, nhà sập, hư hỏng; tăng cường lực lượng xuống cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích & Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an yêu cầu các đơn vị thuộc ngành quản lý phải tổ chức công tác trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống lũ. Nắm vững các thông tin và báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tai nạn thương tích & Tìn kiếm cứu nạn Bộ Công an qua Thường trực Ban chỉ đạo (Văn phòng Tổng cục Hậu cần -Kỹ thuật; Fax: 043.941.2049 hoặc 043.942.8276; ĐT; 069. 40313, 069. 41113, 043. 9421866) để tập hợp báo cáo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Lãnh đạo Bộ.
Dương Quang – Minh Phong - Văn Thắng - Mỹ Hạnh - TTX
Thư kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được Bộ Nội vụ ra quyết định cho phép thành lập nhằm mục đích của Quỹ là vận động tài trợ giúp đồng bào miền Trung phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai lũ lụt gây ra. Trong những ngày vừa qua, từ 1-5/10/2010, mưa lớn đột ngột ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung tha thiết kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để giúp đỡ cho đồng bào các tỉnh miền Trung đang gặp khó khăn, hàng vạn người không còn chỗ trú ngụ, không có lương thực, thực phẩm, nước uống,… Mọi sự đóng góp về tiền và hàng cứu trợ ủng hộ đồng bào miền Trung. Xin vui lòng gửi đến địa chỉ : Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung Địa chỉ : Số 01 Quang Trung, Đà Nẵng. Điện thoại : 080.51509 Fax : 080.51389 Số tài khoản : 5601.0000.123389 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN – Chi nhánh Hải Vân – PGD Thanh Khê – TP Đà Nẵng. Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung mong nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để giúp đỡ cho đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn. |