* 19 người chết, mất tích; 37 tàu thuyền bị chìm và trôi dạt
* Lở núi giữa thành phố Tuy Hòa, 3 ngôi nhà bị sập
* Tâm áp thấp nhiệt đới cách Phú Yên – Ninh Thuận 110 km
Theo TTXVN, đến 16 giờ ngày 4-11, lũ lụt đã làm 15 người chết, tăng 7 người so với ngày 3/11 (Đắc Lắc 1; Khánh Hòa 7; Phú Yên 4; Ninh Thuận 3). Số người mất tích 4 (Ninh Thuận 1; Khánh Hòa 2; Phú Yên 1). Tổng số nhà bị sập đổ 697 nhà (Phú Yên 3, Khánh Hòa 161, Ninh Thuận 533); nhà bị ngập 18.820 nhà (Đắc Lắc 33, Phú Yên 2.088, Khánh Hòa 10.601, Ninh Thuận 5.658, Bình Thuận 440).
Hiện áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển Phú Yên và Ninh Thuận. Dự báo lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Gia Lai và Đăk Lăk tiếp tục lên. Đêm nay và ngày mai (5-11), lũ các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam có khả năng lên lại. Vì vậy, các địa phương vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ, tình hình mưa, lũ tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận để chủ động đối phó; thông báo, hướng dẫn tầu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông nhanh chóng thông xe tại các điểm còn ách tắc. Mặt khác, các địa phương chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực lũ đã rút.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, các đơn vị đã phối hợp với địa phương và ngành Thủy sản và gia đình chủ tàu thống kê, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho 30.005 tầu/143.623 lao động biết vị trí diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động phòng tránh. 29 tàu thuyền đã bị chìm (Quảng Ngãi 3; Bình Định 1; Khánh Hòa 8; Phú Yên 2; Bà Rịa Vũng Tàu 2; Ninh Thuận 12. 8 tàu, thuyền bị hỏng máy, trôi dạt (Quảng Ngãi 1, Khánh Hòa 3, Bình Định 2, Bà Rịa Vũng Tàu 1, Cà Mau 2).
Về giao thông, các tỉnh lộ 641, 642, 643, 644, 646, 650, 645B của tỉnh Phú Yên một số đoạn vẫn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông. Tại Khánh Hòa, tuyến đường Khánh Lê Lâm Đồng bị sạt lở 3 vị trí, hiện đang triển khai thu dọn, dự kiến ngày 5/11 sẽ thông tuyến; đường Nguyễn Tất Thành bị sạt lở 3 vị trí, hiện đã thông 1 làn xe. Đường Lập Định – Suối Môn (TL9) vẫn ách tắc giao thông do ngập và sập mố cầu tràn Vĩnh Thái. Đường từ sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ bị sụp cống, sạt lở 2/3 đường. Đường tỉnh lộ 9 lên Khánh Sơn chưa thông xe do ngập. Đường Khánh Sơn đến Thành Sơn ách tắc giao thông do ngập.
Diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hại của các địa phuơng là 26.490 ha (Đắc Lắc 2.498ha, Phú Yên 2.226ha, Khánh Hòa 7.400ha, Ninh Thuận 12.407ha, Bình Thuận 1.959ha). Các hồ có cửa tràn như Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Trầu, Am Chúa, Đồng Bò (Khánh Hòa) đang xả lũ theo quy trình, hiện vẫn an toàn. Các hồ Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận) đã ngừng xả lúc 14h ngày 3-11. Các hồ từ Phú Yên đến Quảng Nam có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường chưa tích đầy nước.
Một số hồ tăng lượng xả là các hồ Lòng Sông (Bình Thuận) 120m³/s, Định Bình (Bình Định) 320m3/s, Núi Một (Bình Định) 104m³/s. Các hồ tràn tự do nhiều hồ mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 6 ÷ 40cm đang tràn tự do về hạ du, hiện tại vẫn an toàn. Tại thành phố Nha Trang, tất cả các xã nông nghiệp, vùng trũng và nhiều khu dân cư bị cô lập, chia cắt, gồm khu Đồng Rọ Vĩnh Thái, Hòn Một, Bích Đầm, Đầm Bảy, Vũng Ngáng; vùng trũng các huyện Diên Khánh (15 xã); Ninh Hòa (15 xã); thị xã Cam Ranh (7 xã, phường).
Đặc biệt, mưa dầm liên miên tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau làm ngập úng gần 150.000 ha lúa, tôm và hoa màu. Cà Mau là tỉnh có nhiều diện tích đất nuôi tôm quảng canh nhất khu vực bị thiệt hại do triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn làm vỡ bờ bao, tôm tràn ra sông rạch gây thiệt hại nặng, gần 2.000 ngôi nhà ở vùng bán đảo Cà Mau bị ngập 30-40cm. Tỉnh Bạc Liêu có khoảng 53.000 ha lúa, tôm và hoa màu bị ngập. Trong đó ngập nặng nhất là khu vực có gần 30.000 ha lúa thu đông và lúa kết hợp nuôi tôm tại các huyện vùng trũng như Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long. Hiện mọi khâu chống ngập úng ở tỉnh đã bị vô hiệu vì mưa lớn lại trùng với triều cường.
Tỉnh Phú Yên đã tổ chức sơ tán 982 hộ/3.460 người tại các khu vực Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Phú Hòa, Sơn Hòa, TP Tuy Hòa, Sông Hinh. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực gồm 245 cán bộ, chiến sỹ; 2 tàu; 5 ca nô; 12 xuồng cứu hộ; 13 ôtô các loại và 1 bộ vượt sông nhẹ sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có yêu cầu.
Tỉnh Khánh Hòa sơ tán 2.256 hộ / 8.644 người tại các khu vực Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Cam Ranh, Nha Trang. Tỉnh Ninh Thuận sơ tán 7.642 hộ/30.568 người tại các khu vực Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Phan Rang Tháp Chàm đến nơi an toàn; huy động 2101 cán bộ chiến sỹ, 29 xuồng máy, 43 xe ô tô các loại và 3 xe thiết giáp để phục vụ công tác sơ tán dân.
* Vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 4-11, do mưa lớn kéo dài, một mảng đất, đá dựng đứng nằm góc phía Tây Núi Nhạn, nằm giữa thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) bỗng đổ sụp, đè vào nhà anh Trương Thái Dũng khi anh và con là Trương Thái Công đang ăn cơm. Tường nhà bị sập đập trúng đầu, làm em Trương Thái Công (14 tuổi) bị thương.
Vụ lở núi này còn làm 3 ngôi nhà, gồm nhà các bà Lê Thị Lạc (số 64A), Nguyễn Thị An Nhiên (số 64B) và Nguyễn Thị Học (số 64C) bị sập và làm ảnh hưởng lớn đến một nhà khác. Thiệt hại nặng nhất là nhà của bà Nguyễn Thị An Nhiên, bị sập nhà bếp, nhà vệ sinh, sập tường nhà trên, đất đá đổ hết vào nhà, gây thiệt hại tài sản.
Ba ngôi nhà sập nằm ngay trên sườn núi, thuộc đường Lê Trung Kiên, khu phố 1, phường 1 (TP Tuy Hòa). Vụ sập nhà làm bàng hoàng cả dãy phố. Bà Nguyễn Thị An Nhiên nói: “Cả mấy nhà đang ăn cơm trưa thì nghe có tiếng động lạ, chưa kịp nhận ra là gì thì ầm ầm như trời đổ ập xuống. Thằng nhỏ bị thương vào đầu, cả nhà bỏ chạy; mấy nhà khác cũng chạy tán loạn”.
Có mặt tại hiện trường lúc 15 giờ cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, ông Đào Tấn Hoàng đã huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ dọn dẹp số nhà bị sập; chuyển toàn bộ người và đồ đạc đến nơi an toàn.
TTXVN