
Hỏi: Nghe nói cách gọi các vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… là không đúng chuẩn. Sự thật có phải như thế không?
NGUYỄN VIỆT CƯỜNG (Đồng Nai)

Vua Gia Long
Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… là niên hiệu của bốn ông vua nối tiếp nhau. Niên hiệu là tên hiệu của một ông vua đặt ra để tính năm mình trị vì nhưng một ông vua có thể có nhiều niên hiệu. Việc thay đổi niên hiệu có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là khi nhà vua quyết định thay đổi đường lối, chính sách cai trị. Vua Lê Thánh Tông có hai niên hiệu: Quang Thuận (1460 – 1469) và Hồng Đức (1470 – 1497). Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) có đến tám niên hiệu: Thái Ninh, Anh Võ Chiêu Thắng, Quảng Hữu, Hội Phong, Long Phù, Hội Tường Đại Khánh, Thiên Phù Duệ Võ, Thiên Phù Khánh Thọ.
Vì vậy, các nhà sử học ít khi dùng niên hiệu để chỉ một ông vua mà người ta thường dùng các miếu hiệu để gọi.
Miếu hiệu là tên hiệu mà ông vua mới lên ngôi đặt cho một ông vua vừa băng hà để thờ. Chẳng hạn, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông,…
Do đó, trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim gọi Gia Long là Nguyễn Thế Tổ, Minh Mạng là Nguyễn Thánh Tổ, Thiệu Trị là Nguyễn Hiến Tổ, Tự Đức là Nguyễn Dực Tông.
Sở dĩ người ta gọi các vua này bằng niên hiệu, khác với cách gọi truyền thống, vì ở bốn ông vua này, mỗi ông chỉ có một niên hiệu. Đây là cách gọi không đúng chuẩn nhưng vì chúng ta quen nghe từ lâu nên có thể chấp nhận được.
PGS.TS Lê Trung Hoa