Nhiều người từng chờ đợi, việc Bob Bradley đến làm việc ở Premier League sẽ là khởi đầu cho một cuộc cách mạng, cho một trào lưu, một dòng chảy từ làng bóng đá Mỹ đến đảo quốc sương mù. Rất tiếc, cách mạng đã bất thành khi vị HLV người Mỹ bị CLB Swansea sa thải chỉ sau 11 trận đấu. Bradley từng “sống sót” sau một trận chiến giải cứu binh nhì, nhưng ông không thể thắng cả một cuộc chiến.
Trong quá khứ, chưa từng có cầu thủ Mỹ nào thành danh trên đất Anh. Một người được cho là đầy tài năng và từng được kỳ vọng rất nhiều như là Landon Donovan, cũng chỉ trụ được ở đây trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và không tạo ra hiệu ứng gì quá đặc biệt. Trước Bradley, cũng chưa từng có HLV Mỹ nào đến làm việc ở đất nước sản sinh ra môn bóng đá. Do đó, ông đã được kỳ vọng rất nhiều.
Người Mỹ vốn rất nổi tiếng với những cuộc cách mạng. Cách mạng Mỹ, dưới sự lãnh đạo của George Washington, đã giúp nước Mỹ giành được độc lập, tách ra khỏi sự cai trị của nước Anh. Những cuộc cách mạng trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Trong thể thao, người Mỹ cũng từng tạo ra cách mạng trong môn bóng chày, với cái gọi là “chiến thuật bóng và tiền”, hay trong môn bóng bầu dục mà họ thường hay gọi là “football” để tạo ra một môn đấu hoàn toàn khác so với bóng bầu dục thông thường – “football kiểu Mỹ”. Ngay cả giải MLS, trên một khía cạnh mang tính giải trí, cũng là một cuộc cách mạng trong bóng đá mà người Mỹ đã nghĩ ra.
Nhưng với chuyên môn bóng đá đơn thuần, người Mỹ luôn chậm chân hơn cả. Bradley đã không thể tạo ra một cuộc cách mạng, khơi nguồn cả dòng chảy, khi trở thành HLV Mỹ đầu tiên thành công ở giải Ngoại hạng Anh. Trái lại, ông sẽ được ghi nhớ như là HLV Mỹ đầu tiên bị sa thải ở Premier League và với thất bại này, có khi ông cũng sẽ trở thành “người duy nhất”, “người Mohican cuối cùng”. Một người lão luyện, giàu kinh nghiệm, từng làm việc ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, như là Bradley, mà còn không thể thành công trên đất Anh, thì còn HLV nào dám đến đây nữa?
Vài mùa giải trước, MLS từng là điểm đến ưa thích của nhiều cầu thủ lỡ thì ở Anh, ở châu Âu. David Beckham đã kinh qua một khoảng thời gian đáng kể ở đây. Nhưng với tính chuyên môn thấp, tính giải trí lại quá cao, MLS đã không còn là một điểm đến có thể níu giữ những ngôi sao trong một thời gian dài. Cả Didier Drogba, Frank Lampard hay Steven Gerrard đều quyết định chia tay MLS chỉ sau 1-2 mùa gắn kết, vì họ nhận ra, dù họ đã già, nhưng họ vẫn ở một đẳng cấp rất riêng so với các cầu thủ ở đây và trong bóng đá, khi mọi chuyện quá dễ dàng, tính cạnh tranh không cao, thì rất là buồn chán.
MLS đã không còn mang tính cách mạng. Cách mạng, chính là giải đấu bùng nổ kim tiền ở Trung Quốc, là nơi đang hút hết nhiều cầu thủ nổi danh ở châu Âu, ở giải Ngoại hạng Anh. Với tính cách của mình, người Mỹ khó lòng đưa bóng đá trở thành một thứ quốc giáo và họ cũng không hề có ý định đó, vì họ vẫn đang rất thoải mái với bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ, quyền Anh, với tính cạnh tranh chỉ gói gọn trong khu vực Bắc Mỹ, nhưng vẫn là “hàng đầu thế giới”. Thất bại của Bradley, vì vậy, không phải là thất bại mang tính cá nhân, mà là thất bại của cả một nền bóng đá, vốn không thích cách mạng hóa môn thể thao 11 người.
DƯƠNG ĐỖ