“Cách mạng xanh” xây dựng với cây tre

“Cách mạng xanh” xây dựng với cây tre

Trong trận động đất tại Tứ Xuyên (Trung Quốc) vừa qua, nhiều ngôi nhà tre dành cho người bị nạn đã được cấp tốc dựng lên. Loài cây được mệnh danh là “thép thực vật” này là vật liệu dẻo dai, bền hơn gỗ sồi nhưng nhẹ hơn bê tông, sắt thép, có tính thẩm mỹ cao, lại thân thiện với môi trường này đang làm nên cuộc “cách mạng xanh” trong ngành xây dựng nhờ công nghệ hiện đại.

  • Vật liệu “xanh” nhiều ưu điểm
“Cách mạng xanh” xây dựng với cây tre ảnh 1
Simon Velez với một công trình tre

Ở đảo Bali (Indonesia), có bà Linda Garland còn được gọi là “bà hoàng tre”. Trang trại của bà trồng tới 200 loài tre (trong số khoảng 1.500 loài trên thế giới), từ đó bà làm thành giường, ghế, tủ, bàn... Chính doanh nghiệp của bà đã xây cho đạo diễn điện ảnh Rob Cohen một ngôi nhà đồ sộ toàn bằng tre đen ở Đông Bali.

Bà cho biết, những công trình xây dựng làm từ tre có khả năng chống đỡ các trận động đất tới 5 độ Richter, các cơn bão... tốt hơn các cấu trúc khác.

Năm 2000, một tòa nhà rộng 1.800m2 do kiến trúc sư nổi tiếng người Colombia, Simon Velez xây dựng với 4.000 cây tre loại lớn được trưng bày tại Triển lãm Hanover đã giúp người phương Tây “tái phát hiện” cây tre. Tòa nhà này đáp ứng mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nhà ở của châu Âu.

Colombia được coi là nước đi đầu trong việc sử dụng tre làm vật liệu xây các công trình kiến trúc hiện đại với các kiến trúc sư tài ba như Oscar Hidalgo Lopez, Marcelo Villegas hay Simon Velez. Ở Mỹ, kiến trúc sư Barrel DeBoer dùng tre xây dựng các tòa nhà của trường đại học và viết một cuốn sách về sử dụng tre.

Công ty Bamboo-Technologies, trụ sở tại Hawaii, đã được Chính phủ Mỹ cấp giấy chứng nhận cho loài tre Bambusa stenostachya được sử dụng để xây hơn 50 ngôi nhà ở Hawaii và California, sắp tới là xây ở các vùng Mỹ, Âu khác.

  • Hoàn thiện nhờ công nghệ mới

Ở vùng châu Á-Thái Bình Dương, trong xây dựng cổ truyền, tre thường được liên kết với nhau nhờ các mối buộc nhưng do tác động của thời tiết, môi trường, các mối buộc bị hư hại. Nay với công nghệ mới, sử dụng ốc vít trong ghép nối, ngành kiến trúc tre thực sự có bước nhảy vọt.

Người ta có thể liên kết nhiều thân tre với nhau, làm thành những công trình to lớn và chắc chắn. Bằng cách này, Simon Velez đã xây dựng một khách sạn sinh thái 130 phòng ở Trung Quốc, sau những công trình đồ sộ như cầu, sân vận động, chợ, nhà máy... ở Colombia.

Khi rừng ngày càng cạn kiệt thì việc tre ngày càng có tầm quan trọng. “Đó là một thứ cây có thể dùng vào vô vàn việc” – đại diện của tổ chức châu Âu về mây-tre INBAR (thuộc LHQ và châu Âu) tuyên bố. INBAR có dự án xây dựng những ngôi nhà tiền chế bằng tre, thích hợp với khí hậu châu Âu, giá khoảng 100 euro/m2. Những ngôi nhà như thế cũng rất thích hợp với các nước nghèo hay các nước đang phát triển, nơi tre mọc nhiều.

Có những vấn đề cần giải quyết, như việc xử lý tre trước khi đưa vào sử dụng (làm trắng tre chẳng hạn) có thể gây hại môi trường. Hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ chưa có nơi nào chuyên trồng tre cho ngành xây dựng. Tre hầu hết phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam hay các nước Nam Mỹ.

Tất cả ngôi nhà do Bamboo-Technologies bán đều được chế tạo sẵn ở Việt Nam dưới dạng lắp ghép. Việc chuyên chở xa xôi còn sinh ra nhiều khí thải...

Năng suất của một rừng tre gấp 25 lần so với một khu rừng thông thường. Mỗi năm, một héc ta cho từ 22-44 tấn tre. Chỉ 3-5 năm sau khi trồng, tre đã có thể thu hoạch mà không cần phải trồng mới vì tự mọc lại liên tục.

Tre còn giữ đất khỏi bị xói mòn, hấp thu lượng khí CO2 nhiều gấp 4 lần so với một khu rừng mới, sản sinh lượng khí ôxy nhiều hơn35%...

NHỊ BÌNH (theo Financial Times)
(SGGP 12G
)

Tin cùng chuyên mục