Quyết định giảm mạnh thuế quan của Trung Quốc và Mỹ được hoan nghênh

Theo tuyên bố chung được Trung Quốc và Mỹ công bố ngày 12-5, sau cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày tại Geneva (Thụy Sĩ), 2 nước sẽ cùng tạm hoãn và dừng áp dụng các mức thuế đã được công bố trước đây lên hàng hóa của nhau nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Cụ thể, Mỹ giảm thuế đối ứng với hàng hóa Trung Quốc từ 125% xuống còn 10%.

Tuy nhiên, mức thuế 20% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc liên quan đến vấn đề chất gây nghiện fentanyl vẫn sẽ còn hiệu lực, nên tổng thuế quan còn lại sau khi giảm là 30%, có thời hạn trong 90 ngày.

Đáp lại, Trung Quốc tạm dừng hoặc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan tổng tỷ lệ 115% đối với hàng hóa Mỹ và chỉ giữ lại mức thuế 10%. Ngoài ra, nước này cũng sẽ thực hiện các biện pháp hành chính cần thiết để tạm ngừng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan đã được áp dụng đối với Mỹ từ ngày 2-4. Hai bên cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp trên trước ngày 14-5 và kéo dài trong 90 ngày.

Cũng theo tuyên bố chung, 2 nước ghi nhận tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương đối với phát triển của mỗi nước và kinh tế toàn cầu. Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng một mối quan hệ kinh tế và thương mại bền vững, lâu dài, cùng có lợi.

Giá dầu đã tăng vọt hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 12-5, sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận trên. Mặc dù chi tiết cụ thể (như danh mục hàng hóa, mức giảm thuế, hoặc các điều khoản kèm theo) chưa được công bố, nhưng thỏa thuận được xem đã đánh dấu một bước tiến đáng kể trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt khi cả hai nền kinh tế đang đối mặt với áp lực toàn cầu như lạm phát, suy thoái chuỗi cung ứng, và cạnh tranh địa chính trị.

Ngay lập tức, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức kinh tế hoan nghênh thỏa thuận đã làm giảm căng thẳng thương mại toàn cầu, nhưng cũng cảnh báo về nguy cơ mất cân bằng nếu Mỹ và Trung Quốc ưu tiên song phương thay vì đa phương. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thỏa thuận này giúp ổn định kinh tế toàn cầu ngắn hạn, nhưng cần theo dõi tác động lâu dài.

Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng, cuộc đàm phán then chốt Trung - Mỹ cuối tuần qua có ý nghĩa về kinh tế và chính trị với cả hai bên, đồng thời khởi động quá trình dài hạn hướng tới các thỏa thuận thực chất để giải quyết vấn đề thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Hãng tin THX, tờ Global Times mô tả thỏa thuận như một chiến thắng ngoại giao, chứng minh vị thế không thể thay thế của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Trong khi đó, các tờ báo chuyên kinh tế như Bloomberg, WSJ…, đánh giá giai đoạn tạm dừng 90 ngày là cách tiếp cận thận trọng, đồng thời cảnh báo, thỏa thuận cần các biện pháp giám sát để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ.

Tin cùng chuyên mục