Thông qua việc hợp tác với dịch vụ Internet Starlink thuộc dự án của Hãng công nghệ vũ trụ SpaceX, châu Phi đã có mức độ phủ sóng internet rộng hơn. Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu lục, là quốc gia châu Phi đầu tiên áp dụng Starlink vào tháng 1-2023.
Hai năm sau khi gia nhập thị trường Nigeria, Starlink đã vươn lên đứng thứ hai trong số các nhà cung cấp dịch vụ internet, được chính quyền Nigeria phân loại riêng biệt với các công ty viễn thông lớn, với hơn 65.500 người dùng vào cuối quý 3 năm 2024. Theo dữ liệu từ Ủy ban Truyền thông Nigeria (NCC), Starlink chỉ đứng sau ISP Spectranet đã hoạt động được 16 năm.
Bí quyết cho sự phát triển nhanh chóng của Starlink khá đơn giản: người dân Nigeria đang rất cần dịch vụ internet tốc độ cao, đáng tin cậy. Các công ty viễn thông và ISP truyền thống ở Nigeria thường xuyên bị mất sóng, tốc độ chậm và vùng phủ sóng không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi cơ sở hạ tầng mặt đất hạn chế hoặc không có.
Do hoạt động hiệu quả, hiện dịch vụ internet vệ tinh đã nhanh chóng mở rộng sang các quốc gia khác trên khắp châu lục. Congo, Somalia và Lesotho là 3 quốc gia mới nhất có tên trong bản đồ cung cấp dịch vụ của Starlink, nâng tổng số quốc gia châu Phi sử dụng dịch vụ của Starlink lên 21 nước.

Tính đến tháng 5-2025, SpaceX đã xin được giấy phép hoạt động tại 9 trong số 14 quốc gia mà công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Airtel Africa đang khai thác dịch vụ. Đồng thời công ty này đang tiến hành các thủ tục quản lý tại 5 quốc gia châu Phi còn lại. Theo Outlock Business, quan hệ đối tác với SpaceX sẽ cho phép Airtel Africa tích hợp công nghệ vệ tinh quỹ đạo thấp của Starlink vào các dịch vụ của mình, đảm bảo phạm vi phủ sóng rộng hơn và khả năng phục hồi kết nối cao hơn.
Trong khi đó, SpaceX thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk có thể sử dụng cơ sở hạ tầng mặt đất hiện có của Airtel, bao gồm các mạng lưới mặt đất và khả năng kỹ thuật trên khắp lục địa. Airtel Africa cho biết, cùng với SpaceX sẽ nâng cao các dịch vụ kết nối vệ tinh thế hệ tiếp theo và tăng cường kết nối cho các doanh nghiệp, cộng đồng kinh tế xã hội, bao gồm trường học và trung tâm y tế ở những vùng xa xôi nhất tại châu Phi.
Kể từ năm 2018, Starlink liên tục phát triển hệ thống sử dụng mạng lưới hàng ngàn vệ tinh quay quanh Trái đất ở quỹ đạo tầm thấp (LEO) để truyền tín hiệu phủ sóng các khu vực nhỏ. Phương pháp tiếp cận quỹ đạo Trái đất thấp này mang lại cho Starlink lợi thế hơn các ISP vốn đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tốn kém để mở rộng.
Dù đắt đỏ và tốc độ thấp hơn so với internet truyền thống như cáp quang hay mạng di động, Starlink vẫn được nhiều nơi trên thế giới lựa chọn để kết nối vùng sâu vùng xa, hải đảo hay các vùng chiến sự. Theo số liệu của Starlink, dịch vụ internet vệ tinh của công ty hiện có mặt ở trên 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng người sử dụng trên toàn thế giới đã tăng lên hơn 5 triệu tính đến hết tháng 2 và công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường.