Cách nào để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn?

Phải đột phá
Cách nào để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn?

Ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW, trong đó đặt mục tiêu ngành du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Thế nhưng, năm qua ngành du lịch Việt Nam chỉ mới thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 62 triệu lượt khách nội địa, với doanh thu đạt 400.000 tỷ đồng. Việt Nam hiện đang xếp thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên du lịch nhưng chỉ đứng thứ 75/141 quốc gia về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu; xếp hạng 89 về mức độ mở cửa với quốc tế. Vậy giải pháp nào để ngành du lịch đóng góp 10% cho GDP theo chỉ tiêu nghị quyết và thực sự là ngành kinh tế dẫn đầu?

Du khách rất thích phong cảnh ở rừng núi Tây Bắc Việt Nam

Phải đột phá

Nghị quyết 08/NQ-TW đặt mục tiêu cho ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; ngành du lịch phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 là thu hút khách quốc tế được 17-20 triệu lượt khách, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Thế nhưng, nhìn chỉ số thể hiện tốc độ phát triển của ngành du lịch trong những năm qua thì nếu không có sự đột phá sẽ khó có thể đạt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, theo thống kê, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, ngành du lịch đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP.

Mặc dù vậy, nghị quyết vẫn đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, du lịch phải là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và Việt Nam phải thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đánh giá, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém như phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao… Do vậy, Bộ Chính trị yêu cầu, ngành du lịch phải là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp - phải có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Cấp thị thực điện tử cho công dân 40 nước

Một khởi đầu mới có thể coi là sự khích thích cho du lịch Việt Nam đột phá, đó chính là kể từ đầu tháng 2-2017, Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (E-visa) trong 2 năm (2017-2018) cho công dân 40 nước. Việc mở rộng các quốc gia được miễn thị thực sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Khách quốc tế chỉ cần ngồi tại nhà truy cập cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) với tên miền tiếng Việt http://www.xuatnhapcanh.gov.vn, tiếng Anh là http://www.immigration.gov.vn để trực tiếp đề nghị và khai thông tin, tải ảnh hộ chiếu, nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định (phí cấp thị thực điện tử một lần và thời hạn không quá 30 ngày là 25 USD); nhận kết quả, tự in thị thực điện tử qua hệ thống giao diện điện tử, không qua khâu trung gian.

Theo quy định mới, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam mà không cần phải có thư mời bảo lãnh từ Việt Nam và không cần thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài như quy định trước đây sẽ tạo thuận lợi cho du khách. Điều này thể hiện sự mở rộng cửa đón chào du khách và thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Đặc biệt, nghị quyết cũng cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử qua 28 cửa khẩu quốc gia; đây là bước có tính đột phá cho du khách thực hiện thủ tục thị thực minh bạch, rõ ràng, nhanh gọn, thuận tiện, thoải mái và mang lại nhiều kỳ vọng mới trong việc thu hút khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế tại Việt Nam.

Cùng với đột phá này, Việt Nam cũng đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực, hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước về du lịch… Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa. Chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp du lịch; xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh…

Với những nỗ lực đó, có thể sẽ giúp ngành du lịch đạt mục tiêu năm 2017 là thu hút 11,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD...

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục