Cái bếp than

Cuối năm, tôi đi chợ, tìm mua một cái bếp lò kiểu Ông Táo cũ, mang về nhà, để dành cho nồi thịt kho rệu.
Minh họa: K.T
Minh họa: K.T

Người miền Nam, tết nhất đương nhiên trong bếp không thể thiếu xoong thịt mỡ kho với nước dừa và trứng vịt, âm ỉ thật lâu trên bếp cho mềm rục, mỡ màng tan ra hết, chỉ còn lại cái “xác mỡ” nằm giữa da và thịt beo béo quyến rũ mà thôi. Mà món ấy, nếu đặt trên cái bếp gas, bếp điện, bếp từ “tốc hành” thì quả là không đúng điệu chút nào. Cần phải có cái bếp than rỉ rả âm thầm mà nóng rực, nằm riêng ở một góc nhà hoặc khoảnh sân be bé, chẳng hạn.

Cũng cái bếp ấy, những ngày nghỉ lễ sắp tới, chị em nhà tôi tụ họp lại, thể nào cũng nhân tiện mà bày biện làm đồ nướng ăn với nhau. Cầu kỳ thì mực tôm, đơn giản là khoai lang, bắp hay đậu bắp chấm chao hoặc mỡ hành. Điều đáng giá nhất, không phải là ở những thứ mồi màng kia ngon dở, hay mắc rẻ, sang hèn, mà chính bởi khoảnh khắc chúng tôi ngồi quanh cái bếp hồng rực ấy, cùng nhau xoay trở thức ăn cho nó chín tới. Rồi người này nhường người kia ăn trước khi còn nóng, cho ngon.

Câu chuyện bên cái bếp cũng nổ bung xòe y hệt như than đang lúc đượm lửa. Toàn là nhắc nhớ. Kiểu hồi xưa nhà mình lúc gói bánh chưng bánh tét, cũng vùi khoai vùi củ vào tro nóng, đợi chín rồi hít hà bóc ăn. Có bữa ngủ quên, chợt nhớ ra thì đã đen thui hết cả rồi, tiếc hùi hụi phát khóc. Ngày đó sao mà dễ vui thế nhỉ. Quanh bếp than hồng, chị em mình từng chơi bài ăn quỳ, từng kêu lô tô, đổ bầu cua tưng bừng. Chẳng cay cú thắng thua tiền bạc gì, mà vẫn náo nhiệt cả căn bếp nhỏ. Rồi thì hò hét nhau kiếm cái gì bỏ bụng, may thay còn có cái bếp đang ấm than hồng…

Bây giờ, người ta ít xài bếp than nữa rồi. Xung quanh ê hề nồi ủ, nồi áp suất, nồi điện… với bao nhiêu là tiện ích, việc gì phải ngồi tỉ mẩn thổi thổi quạt than cho nhọc. Vậy mà đâu đó vẫn có người mê và nhớ cảm giác cời hết than đỏ ra, lửa riu riu qua lớp tro dày, chờ nồi thịt chuyển màu đỏ thấm tháp. Chỉ có dịp tết mới đủ thời gian và đủ cả thiêng liêng để đầu tư hẳn một buổi ngồi bên bếp lửa truyền thống, nghe mùi măng thấm vào từng khúc chân giò heo, mùi canh khổ qua hầm thịt bay bay trong gió quen thuộc, thơm lừng, thao thiết. Cả những cái bánh tráng trở mình phồng lên trên ánh than hoa.

Giờ này, người ta đã í ới nhau gọi về quê chuẩn bị vài ký nếp để dành ít hôm gói bánh. Thêm mấy cân đậu xanh cà, bột mì bột năng, đường phổi đường phèn, nấm mèo miến dong… Thậm chí dặn cả gà heo để gắng nấu sao cho đúng vị ngày xưa. Nhớ lắm, thèm lắm, mà chẳng phải vì quanh năm thiếu thốn nên hong hóng đợi “ăn tết” như thuở nào nữa. Mà có khi, vì đủ đầy quá, hiện đại quá, bận rộn quá, mà người ta bỗng thèm một chút thong dong chăm chút kiên nhẫn như “hồi ấy”, bên một cái bếp than quê mùa.

Xung quanh đã chộn rộn ghê rồi! Nao nức lắm. Không khí tết dường như chỉ đậm đà vào những ngày túi bụi dọn dẹp, tất tả sắm sanh, nô nức tới lui trước tết mà thôi. Ngay cả nhìn một mâm kiệu phơi trắng xóa thôi là đủ để lòng người mềm như bún, ngổn ngang bao nỗi niềm. Ai nấy đi xa nhớ nhà, ngong ngóng đường về. Người ở quê cắc củm để dành vài món ngon mà chờ đón. Riêng người đàn bà nội trợ thì nhất định phải có trong nhà một cái bếp than.

Cứ những ngày cuối năm, phương Nam mình chang chang nắng đến tận tết, để người đàn bà làm mẹ, làm vợ thuận tiện phơi hành, phơi kiệu, phơi tôm cá khô, phơi bò một nắng, hong mớ củ cải cà rốt để làm dưa món đồ chua đây mà. Và cũng là để ai đấy bồi hồi mua về một cái bếp than, để ươm giấc mơ no ấm sum vầy.

Tin cùng chuyên mục