Cải cách hành chính ngành Hải quan - Phải “một cửa” giữa các bộ ngành

Cải cách hành chính ngành Hải quan - Phải “một cửa” giữa các bộ ngành

Theo báo cáo môi trường kinh doanh của WB-IFC, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam nhiều năm qua… giậm chân tại chỗ! Thế nhưng, để thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Tài chính đưa ra chỉ tiêu ngành Hải quan phải giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, giảm thời gian xuất - nhập khẩu từ 21 ngày còn 13 - 14 ngày trong năm 2015. Liệu ngành hải quan có thực hiện được chỉ tiêu này, sau một thời gian dài… ngủ quên?

Giậm chân tại chỗ

Từ năm 2010 đến nay, ngành Hải quan gần như không có bước tiến đáng kể nào trong hoạt động cải cách hành chính nhằm cắt giảm thời gian cho doanh nghiệp. Nếu năm 2010 thời gian thông quan cho hàng xuất khẩu mất 22 ngày thì đến năm 2013 mới giảm xuống còn 21 ngày và giậm chân tại chỗ đến nay. Tương tự, thời gian thông quan cho hàng nhập khẩu liên tục dừng ở mức 21 ngày trong vòng 5 năm qua. Điều đó khiến cho Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh so với các nước trên thế giới. Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 74 trong tổng số 183 quốc gia được khảo sát, năm 2011 tăng lên đứng ở hạng 63/183 quốc gia, nhưng đến năm 2015 hạng này lại tụt nhiều bậc: 75/189 quốc gia.

Nếu so với các nước ASEAN, thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng thua khá xa, trung bình hoàn tất một đợt thủ tục mất 21 ngày thì Malaysia chỉ 11 ngày (cho xuất khẩu) và 8 ngày (cho nhập khẩu), tương tự Thái Lan chỉ 13 - 14 ngày; Philippines 14-15 ngày… Bộ Tài chính cho rằng, sở dĩ thời gian thông quan của Việt Nam kéo dài là vì vướng thủ tục quản lý chuyên ngành. Một bộ hồ sơ xuất - nhập khẩu phải gắn với trách nhiệm của nhiều bộ, mà các thủ tục của các bộ chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan. Do vậy, dù năm 2014 ngành Hải quan đã cắt giảm nhiều thủ tục, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin như: thông quan hàng hóa tự động giữa Nhật Bản và Việt Nam (đơn giản chứng từ, tích hợp trong một tờ khai); cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN… Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, do thủ tục thông quan gắn với nhiều bộ ngành nên nếu chỉ một mình ngành Hải quan, dù có nỗ lực vẫn không thể kéo giảm được thời gian thông quan đạt chỉ tiêu đề ra.

Thông quan điện tử cho doanh nghiệp tại Cục Hải quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cần một cửa liên thông

Để kéo giảm thời gian thông quan, việc cần làm là gỡ nút thắt thủ tục giữa các bộ ngành bằng giải pháp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Cụ thể, tháng 11-2014, Việt Nam đã chính thức triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế. Theo đó, các Bộ Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải cùng kết nối trao đổi thông tin với nhau và với doanh nghiệp qua mạng internet. Kế hoạch năm 2015, các bộ khác gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên Môi trường, Quốc phòng sẽ cùng tham gia kết nối hệ thống một cửa quốc gia và dự kiến đến năm 2016 sẽ mở rộng đến tất cả các bộ ngành còn lại. Với hệ thống một cửa quốc gia thì doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ tại một cửa, bộ phận một cửa sẽ thay doanh nghiệp chuyển hồ sơ đến tất cả các nơi theo yêu cầu và thu thập trả kết quả cho doanh nghiệp theo đúng ngày hẹn. Điều này sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp so với việc phải chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, xin giấy phép ở nhiều bộ, ngành, mỗi bộ đòi hỏi một kiểu rất mất thời gian như trước đây. Do vậy, theo tính toán, quy trình một cửa liên thông sẽ cắt giảm được 10%-20% chi phí, giảm 30% thời gian cho doanh nghiệp so với trước.

Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính cũng yêu cầu công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính. Cụ thể là duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, niêm yết công khai thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và giám sát hoạt động của cơ quan hải quan. Thái độ của cán bộ công chức cũng là vấn đề quan trọng trong đánh giá về môi trường kinh doanh, do vậy Bộ Tài chính yêu cầu phải chấn chỉnh thái độ phục vụ của công chức trong quá trình thực thi công vụ, bên cạnh giảm tối đa các thủ tục thì phải giảm cả sự phiền hà, sách nhiễu của cán bộ công chức. Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực hải quan nhằm tiến tới ngành hải quan chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả.

Bộ Tài chính công bố, nếu cá nhân, tổ chức phát hiện cán bộ công chức có hành vi chậm trễ, gây phiền hà, sách nhiễu hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính thì phản ánh, kiến nghị qua số điện thoại 04.22202828/7002 hoặc qua email: btc_tthc@mof.gov.vn, hay qua cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính http://www.mof.gov.vn để được xử lý và trả lời.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục