Thời gian qua, ngành thuế đã tập trung cao độ trong công tác cải cách hành chính, nhằm tạo thuận tiện, phục vụ nhanh yêu cầu của người nộp thuế. Trong đó, đáng chú ý là việc kéo giảm số giờ nộp thuế từ hơn 500 giờ trong năm 2014 xuống còn 171 giờ trong năm 2015. Nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong khai, nộp thuế được triển khai. Thế nhưng, phần “con người” trong các khâu thanh tra, kiểm tra, quyết toán, hoàn thuế… vẫn đang là vấn đề nóng lại chưa được chú ý nhiều.
Tập trung vào công nghệ
Nhằm hỗ trợ các giao dịch của người nộp thuế với cơ quan thuế, thời gian qua ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các giao dịch. Ngoài ra, cơ quan thuế còn tập trung vào công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục về đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Trong chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, đến nay, nhiều giải pháp hiện đại hóa hệ thống thuế đã được triển khai như đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, xây dựng và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử... Hầu hết các giao dịch giữa người nộp thuế với cơ quan thuế đã được ứng dụng công nghệ thông tin như kê khai thuế điện tử; nộp thuế điện tử (hiện ngành thuế đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế qua ngân hàng, đang thí điểm tại 18 tỉnh, thành phố với hơn 12.000 doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử); phối hợp với Cơ quan Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để liên thông cấp mã số thuế và mã số doanh nghiệp; thí điểm nối mạng cơ quan thuế với tài nguyên môi trường nhằm giảm thời gian nộp thuế đất… Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ thị cơ quan thuế nghiên cứu, triển khai thí điểm kết nối mạng giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên - môi trường để chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý đất đai tại một số địa phương trọng điểm trong đó có TPHCM, nhằm phục vụ nhanh quá trình kê khai, tính thuế, nộp thuế. Đến nay, hai cơ quan này đã xây dựng xong hệ thống kết nối, trao đổi thông tin tự động với nhau.
Nếu trước đây doanh nghiệp phải đi nộp tờ khai trực tiếp thì nay có thể ngồi tại nhà gởi tờ khai thuế qua mạng.
Cơ quan thuế đã xây dựng xong phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý thuế liên quan đến lĩnh vực đất đai cho các cơ quan thuế địa phương và trang thông tin điện tử công khai thông tin xử lý hồ sơ để giúp người dân có thể theo dõi được tiến trình xử lý hồ sơ, giảm thiểu được số lần đi lại và thời gian chờ đợi cũng như giám sát được việc thực thi công vụ của các cán bộ công chức. Tuy nhiên, do cơ quan tài nguyên - môi trường cần có thời gian để tập trung cơ sở dữ liệu về đất đai và số hóa hồ sơ địa chính trên phạm vi toàn quốc, nên trước mắt việc trao đổi hồ sơ địa chính tự động mới chỉ thí điểm triển khai tại một số địa phương. Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị ngành thuế đẩy nhanh phối hợp triển khai kết nối mạng giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường để trao đổi thông tin hồ sơ địa chính điện tử, góp phần giảm thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến lĩnh vực đất đai cho người nộp thuế. Với việc thực hiện những điểm mấu chốt này, số giờ kê khai nộp thuế sẽ giảm đáng kể cho người dân và doanh nghiệp.
Chưa “chạm” đến con người…
Thế nhưng, các hoạt động cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế thời gian qua chỉ mới tập trung vào việc tuân thủ thuế của người nộp thuế, mà chưa đề cập đến hoạt động “tuân thủ” của đội ngũ cán bộ thuế nhằm chống tiêu cực. Cụ thể, việc đo lường chỉ số nộp thuế theo Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chỉ tính toán dựa trên căn cứ số lần nộp thuế, thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, tổng mức thuế suất mà chưa nói đến những “phiền phức” trong quyết toán, hoàn thuế. Trong khi đó, điểm “nóng” mà doanh nghiệp e ngại đối với ngành thuế không phải ở việc kê khai, nộp thuế mà nằm ở khâu thanh tra, kiểm tra, quyết toán, hoàn thuế. Đây là khâu phát sinh tiêu cực nhiều nhất vì nó đụng chạm đến… tiền!
Các quy trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán hiện chưa được cán bộ tuân thủ triệt để. Hầu hết các hồ sơ quyết toán không được dựa trên cơ sở thời gian, quy định nào, do vậy, không ít cán bộ quản lý thuế tiến hành quyết toán bằng thông báo qua điện thoại, kiểm tra trước hồ sơ, rồi đe dọa, chia chác để cho qua một số chi tiết mập mờ. Thậm chí việc phân định hóa đơn với chứng từ để được cán bộ thuế chấp nhận đưa vào khấu trừ cũng còn nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Phản ánh với chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp nói rằng, muốn được việc thì phải chung chi cho cán bộ thuế trong quá trình bị thanh, kiểm tra hoặc quyết toán thuế.
Do vậy, dù ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm số giờ kê khai nộp thuế, nhưng để người dân và doanh nghiệp bớt kêu ca về tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế, đã đến lúc nhà nước cần quan tâm đến các khâu “hậu kiểm”. Ban hành các quy trình, quy định rõ ràng, thanh kiểm tra chéo lẫn nhau…, có như vậy mới làm trong sạch ngành và giúp các doanh nghiệp… dễ thở!
CHẾ HÂN