Cải cách thực chất ​

Thời gian qua, tại các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo với doanh nghiệp, các doanh nghiệp thường kêu bị gây khó bởi có quá nhiều quy định chồng chéo, phức tạp. Thậm chí, một mặt hàng nhập khẩu phải chịu kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, thậm chí 2 cơ quan trong cùng một bộ.
Đáng nói hơn, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng bộ chuyên ngành không công bố được quy chuẩn kỹ thuật nên kiểm tra bằng cảm quan, kiểm tra bằng mắt dẫn đến cảm tính, gây khó, phát sinh tiêu cực. Dù quy định quyền kiểm tra đã rõ nhưng các ngành chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật nên việc kiểm tra không hiệu quả, một số cơ quan mang hàng hóa về cơ quan để kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 
Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 30 triệu ngày công, hơn 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. Con số đó cho thấy doanh nghiệp đã chi khoản tiền khổng lồ cho các hoạt động “trói” mình. Nguyên nhân, có nhiều mặt hàng chuyên ngành bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, nhiều cơ quan. Do vậy, để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp phát triển theo đúng tinh thần của Chính phủ, đề nghị Bộ Công thương rà soát theo hướng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi ít văn bản nhất. Một mặt hàng chỉ giao một bộ chủ trì, còn các bộ khác chỉ phối hợp và tạo thành đầu mối duy nhất làm việc với doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp phải gõ cửa khắp nơi.
Mặc dù thời gian qua Bộ Công thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (chiếm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh), xóa bỏ khoảng 420/720 mã hồ sơ phải triểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm bộ quản lý (đạt tỷ lệ 58,3%); đã cắt giảm, xóa bỏ 40 bộ thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu…
Thế nhưng, để thuận tiện cho doanh nghiệp, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa ở các lĩnh vực. Nói như Bộ trưởng Bộ Công thương là phải cải cách hành chính thực chất, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp, chứ không chạy theo thành tích mà tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng mọi giá, ở từng vụ việc. Bởi nếu không tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn và phá sản. Mặc dù con số doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2016 lên đến 110.000, nhưng nếu không tạo thuận tiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì số doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn cao; điều đó làm mất ý nghĩa của số doanh nghiệp thành lập mới. Vì khi doanh nghiệp “sinh” ra nhiều nhưng lượng “chết” cũng nhiều thì chỉ gây tốn kém cho xã hội! 

Tin cùng chuyên mục