Cái giá của “Hòa bình”

Ngày 20-7-1954, các bên tham dự Hội nghị Geneva đã đặt bút ký kết hiệp định mang hòa bình trở lại cho xứ sở Đông Dương và công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hai tiếng Hòa bình sau gần 100 năm đấu tranh gian khổ chống ách đô hộ của thực dân Pháp thật sự thiêng liêng đối với nhân dân Việt Nam, dù sau đó hòa bình chỉ hiện hữu trên một nửa đất nước và mãi 21 năm sau màu xanh hòa bình mới trải khắp non sông. Thắng lợi của Việt Nam được coi như một đóng góp tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do, mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc mình.

Ngày 9-5-1945, lá cờ của Hồng quân Liên Xô cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức đã đánh dấu nền hòa bình cho toàn cõi châu Âu sau 6 năm xung đột cướp đi sinh mạng của hơn 60 triệu người, trong đó có 20 triệu người Liên Xô.

Ngày 9-4-1865, cuộc nội chiến Hoa Kỳ cướp đi sinh mạng hơn 900.000 người đã kết thúc bằng sự đầu hàng của quân Liên minh miền Nam trước quân của Chính phủ liên bang miền Bắc. Nhưng kết quả quan trọng nhất của việc kết thúc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử Hoa Kỳ là hơn 4 triệu người nô lệ đã được tự do và Hoa Kỳ bước vào thời kỳ thống nhất và hòa bình lâu dài.

Những người có lương tri đều quý trọng hòa bình. Nhân loại tiến bộ đã nỗ lực không ngừng để đảm bảo hòa bình trên toàn thế giới. Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay, thời của những phát minh hiện đại nhất, thời của sự phát triển và thịnh vượng thì hòa bình thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một số nhà phân tích chính trị cho rằng những thách thức đó là các cuộc xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo khi viện dẫn những cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi…

Nhưng trên thực tế thách thức lớn nhất của hòa bình là việc các nước có ưu thế về sức mạnh quân sự, kinh tế có hành động đe dọa các nước khác, hay tự cho mình quyền vi phạm luật pháp quốc tế; là sự can thiệp thô bạo của các nước lớn vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Nhìn lại cuộc xung đột ở Ukraine, nhiều nhà phân tích khẳng định, Ukraine có lẽ sẽ không rơi vào tình trạng như hiện nay nếu các dân tộc trong lãnh thổ Ukraine có quyền tự quyết vì lợi ích của đất nước thay vì để cho các nước lớn quyết định số phận của mình chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của họ. Hậu quả là đất nước rơi vào cảnh huynh đệ tương tàn. Và đau lòng nhất là sinh mạng của 298 người vô tội trên chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia khi bay ngang vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine

Nhìn lại sự bất ổn của đất nước Kim Tự Tháp, nếu như cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập vào mùa xuân năm 2011 không bị các thế lực bên trong lẫn bên ngoài đánh cắp thì giờ đây con cháu của các Pharaoh có thể đã bước vào thời kỳ ổn định mới thay cho những cuộc đảo chính quân sự, những thiết quân luật…

Cũng như tình hình biển Đông trong thời gian gần đây. Nếu như Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế, không hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì vùng biển này có thể là một trong những vùng biển thái bình, xứng danh là con đường giao thương của 50% lưu lượng hàng hóa thế giới. Thế nhưng giờ đây theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thì hơn 50% số người được hỏi ở 11 nước châu Á lo ngại khu vực này sẽ dậy sóng do hành động của Trung Quốc.

Để có được hòa bình, cái giá phải trả là rất đắt. Đó là sinh mạng của hàng triệu triệu người, đó là những bà mẹ mất con, những đứa con mất cha, những người vợ mất chồng, những gia đình ly tán.

Nhưng góp phần vào cái giá của hòa bình còn có những bản hòa ước, những cái bắt tay và nụ cười thân ái. 60 năm trôi qua, bài học về việc ký kết Hiệp định hòa bình Geneva vẫn còn nguyên giá trị. Nhân dân Việt Nam đã đổ biết bao máu xương mới buộc được nước Pháp ngồi vào bàn đàm phán, cũng như sau này buộc Mỹ ký Hiệp định Paris, nhưng chấm dứt được chiến tranh và được công nhận hoàn toàn độc lập, tự do đã cho thấy giá trị của những cuộc đàm phán hòa bình.

Vậy tại sao cộng đồng quốc tế không lựa chọn cái giá nhân văn nhất, hạnh phúc nhất để đổi lấy hòa bình?

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục