Hơn 1 năm chơi xuất thần trong màu áo CLB Thông tin LVPB và đội tuyển quốc gia Việt Nam, libero Phạm Thị Liên bất ngờ nói lời giã biệt bóng chuyền ở tuổi 23, thời kỳ đẹp và sung sức nhất đối với một VĐV thể thao. Liên mắc bệnh tim, lại tập với cường độ lớn, áp lực không hề nhỏ nên khi sức chịu đựng đã vượt ngưỡng, cô phải dừng lại nếu không muốn quỵ ngã trên sân đấu. Để giữ tính mạng, tất nhiên cô gái ấy đành rời cuộc chơi, dù tình yêu dành cho bóng chuyền vẫn còn.
Đây không phải trường hợp đầu tiên phải chia tay thể thao vì những căn bệnh liên quan đến tim mạch. Thể thao Việt Nam từng chứng kiến nhiều hình ảnh đau lòng hơn, như nữ võ sĩ taekwondo tài hoa Hoàng Hà Giang vĩnh viễn ra đi vì bệnh nặng; cua-rơ Trịnh Đức Tâm tử nạn trên đường đua; nhà vô địch môn vật Lê Thị Huệ sống phần đời còn lại trên chiếc xe lăn; niềm hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam Trương Thanh Hằng giã từ cuộc chơi sau tai nạn nghiêm trọng khiến cô bị gãy xương chân; libero Tạ Thị Diệu Linh dừng bước vì mắc bệnh nặng…
Sự hy sinh của các VĐV đôi khi rất thầm lặng, nhưng lại chính là những chất xúc tác và động lực để xây dựng nên vinh quang cho thể thao Việt Nam. Nếu không dõi theo những bước tiến của họ, nếu không tận mắt chứng kiến những khó khăn mà họ trải qua trong tập luyện và thi đấu, ít người hiểu được chiến thắng đã phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và thậm chí là cả sinh mạng.
Trong số hàng ngàn VĐV ở Việt Nam, không phải ai cũng may mắn đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, được tôn vinh và lưu danh muôn thuở. Chỉ đến khi thành công, người đời mới nhớ tên, còn lúc thất bại hoặc nếm trải khó khăn một mình, cùng lắm chỉ có đồng nghiệp là những người thông cảm và chia sẻ.
Cái giá của vinh quang dường như là rất đắt. Nó bao gồm cả sự phấn đấu và lòng quả cảm đến cùng, bên cạnh tài năng và khát vọng đem về chiến thắng cho thể thao nước nhà từ mỗi cá nhân VĐV. Nếu báo chí không khai thác và viết lại, đến giờ rất ít người biết rằng nhà vô địch Phan Thị Hà Thanh luôn phải chịu đựng với những chấn thương vai, hông, đầu gối, dây chằng…, nhưng chưa từng lùi bước vì môn thể dục dụng cụ nước nhà, vẫn đoạt HCV World Cup và góp mặt ở đấu trường Olympic. Và cũng nhờ báo chí, người hâm mộ mới biết vì sao xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lại vượt qua được nỗi ám ảnh tập chay với súng không đạn trong nhiều năm, loại bỏ áp lực cuộc sống khỏi tâm trí để trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành được tấm HCV Olympic. Đồng nghiệp của họ là Phạm Phước Hưng hay Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm), Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Thị Huyền (điền kinh)… ít nhất 1 lần trong sự nghiệp vừa nghiến răng chịu đựng chấn thương hành hạ, vừa thi đấu để giành HCV cho thể thao Việt Nam ở đấu trường châu Á, thế giới và SEA Games.
Chính họ, với tâm nguyện hy sinh trọn tuổi thanh xuân của mình, đã khiến những người có ác cảm với thể thao và luôn cho rằng đấy là thứ dành cho những kẻ “vai u, thịt bắp” phải nhìn khác đi, theo chiều tích cực và đáng trân trọng hơn. Ý chí phấn đấu của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, của kỳ thủ Lê Quang Liêm, của tay vợt Nguyễn Tiến Minh thậm chí đã được phần đông giới trẻ Việt Nam bây giờ coi như tấm gương để noi theo.
Thể thao Việt Nam luôn bị chê là không sinh lời về vật chất, chỉ tốn tiền của đầu tư. Nhưng bù lại, sự hào hứng và cảm giác hạnh phúc đến từ mỗi chiến thắng của bóng đá, bắn súng, bóng chuyền, cờ vua, thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh… đã tạo nên một giá trị tinh thần đặc biệt cho thể thao và khiến nó không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
LÊ HÙNG