
Trong chuyến công tác ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), tôi nghe nói đến một gia đình người Mông ở bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha có đến hơn 40 người, gồm 4 thế hệ vẫn cùng nhau chung sống dưới một mái nhà. Chúng tôi gọi đùa đó là một kỷ lục quốc gia về số người sinh sống trong một gia đình. Cái gia đình đông đúc này ăn tết ra sao cũng là một câu chuyện rất thú vị.
Theo lời giới thiệu, tôi tìm đến UBND xã Chế Cu Nha. Tại đây, tôi đã gặp anh Hờ A Hú, hiện nay là Bí thư Đoàn xã, cháu đích tôn của cụ Hờ Vàng Phử, người đứng đầu gia đình có số nhân khẩu đông kỷ lục. Hết giờ làm việc, tôi theo chân anh về “đại bản doanh”. Đoạn đường chỉ dài hơn một cây số mà chúng tôi phải mất hơn một giờ đi bộ, leo qua các con dốc thẳng đứng, đến nơi thì trời vừa sâm sẩm tối. Căn nhà cụ Phử làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu, dài hun hút. Tôi nghe thấy cụ Phử nói một điều gì đó với tôi bằng tiếng Mông. Dù không hiểu, nhưng tôi biết, đó là một lời chào.

Vợ chồng cụ Hờ Vàng Phử.
Anh Hờ Chờ Mang, người con trai thứ 5 của cụ năm nay hơn 40 tuổi đang làm hàng rào ngăn cho lũ lợn khỏi chạy vào nhà, bỏ cả công việc ra đón khách. Anh Mang là người nói tiếng Kinh sõi nhất nên đứng ra phiên dịch. Anh bảo: “Bố mình già quá rồi. Đã lâu, ông chỉ quanh quẩn ở nhà trông cháu chắt và đàn lợn gà thôi”. Tôi nhìn cụ Phử, tóc đã rụng gần hết, chỉ còn một lọn tóc phía sau gáy. Răng cụ cũng rụng gần hết nên má cứ tóp lại và da thì nhăn nheo tựa vỏ thông già. Đôi mắt cụ đã mờ đục và dưới cổ có một cục bướu to tướng. Cụ bà tên là Dinh, thân hình nhỏ thó, lưng gù xuống bởi gần 80 năm nay, cụ cõng không biết bao ngô lúa, sắn khoai. Vợ chồng cụ Phử sinh được 7 người con trai, con trai thứ hai tên là Hờ A Chơ đi bộ đội và hy sinh năm 1972. Trong bảy người con trai của cụ Hờ Vàng Phử, ngoài Hờ A Chơ đã hy sinh và người con cả là Hờ Seo Páo lấy vợ và ở riêng, còn lại năm người con sau khi lấy vợ đều ở lại trong ngôi nhà, sinh sống cùng bố mẹ. Ba cháu trai của cụ là Hờ A Hú, Hờ A Dình và Hờ A Câu đều đã lấy vợ và có con.
Như vậy, trong nhà cụ Phử hiện nay có tất cả 9 cặp vợ chồng, với 42 nhân khẩu. Năm ngoái, khi ba đứa cháu gái của cụ chưa đi lấy chồng thì gia đình cụ là 45 người. Ngôi nhà này, gia đình cụ Phử làm từ năm nào, cụ cũng không nhớ cụ thể nữa. Trước kia, ngôi nhà rất nhỏ, chỉ có ba gian, nhưng mỗi lần có con trai cưới vợ, cụ lại dựng thêm một gian nhà mới kế tiếp vào khung nhà cũ. Bây giờ, ngôi nhà rộng khoảng 10m và dài 25m, chưa tính hai đầu hồi và hè của ngôi nhà. Tất cả vật liệu để làm lên ngôi nhà, từ cột, ván quanh nhà đến ngói lợp nhà đều bằng gỗ pơ mu. Có lẽ, khắp cái huyện Mù Cang Chải này, chẳng có ngôi nhà nào làm bằng gỗ pơ mu lớn hơn ngôi nhà của gia đình cụ Phử.
Khoảng bốn giờ sáng, tất cả phụ nữ trong nhà đều thức dậy nấu cơm nước, chẻ củi, băm rau lợn, người lại tước lanh để dệt áo. Sau bữa cơm sáng, khi trời vẫn còn nhập nhoạng tối, Hờ Nhà Dì, người anh lớn trong gia đình thay mặt bố phân công công việc cho từng người. Mỗi năm, gia đình cụ Phử thu hoạch được khoảng 15 tấn lúa, hàng chục tấn ngô cùng rất nhiều khoai sắn. Trang trại gia đình cụ Phử có hàng trăm con trâu bò, còn gà và ngan thì chưa bao giờ có một con số thống kê chính xác. Vì đông người nên mỗi ngày, gia đình cụ Phử ăn hết 30 đến 35 kg gạo. Trước đây, gia đình có người chuyên môn lo việc giã gạo. Còn gần đây, gia đình đã mua máy xát gạo, vừa phục vụ gia đình vừa phục vụ dân bản.
Mặc dù gia đình cụ Phử không mấy khi được đông đủ, nhưng mỗi bữa ăn gia đình cũng phải làm 3,4 mâm. Vào những ngày lễ tết phải 6,7 mâm mới đủ. Cụ Phử lại móm mém nói như khoe: “Vào ngày Tết, năm nào gia đình cũng phải thịt 5,6 con lợn, mà toàn lợn to ngót nghét tạ kia đấy. Ngày thường, thi thoảng gia đình lại mổ một con lợn hai, ba mươi cân để đổi món. Còn gà thì thịt bốn, năm con cũng chỉ đủ làm canh thôi”. Tôi rất ngạc nhiên khi cụ Phử dẫn đi xem gian bếp của gia đình. Những chiếc chảo to ngoại cỡ được đặt trên bếp lò mua từ dưới thị trấn là để nấu cơm và nấu canh cho gia đình.
Mỗi khi tết đến nhà cụ Phử lại phải bán bò hoặc trâu. Số tiền bán trâu bò ấy lại được chia cho mọi người để mua sắm quần áo, giày dép. Tùy cặp vợ chồng nào nhiều hay ít con mà được chia bao nhiêu tiền. Tất cả chi tiêu trong gia đình, cụ Phử đều giao cho con trai là Hờ Nhà Dì. Nhìn gia đình đông người như mắc cửi, tôi hỏi, đã có con cháu nào muốn tách ra ở riêng chưa, thì cụ Phử bảo chưa. Theo cụ Phử, sau cái tết này, gia đình ông sẽ có sự thay đổi. Ông bảo “Mình cũng già rồi. Có lẽ cũng phải tách hộ thì chúng mới tự chủ làm ăn được. Tôi cũng khuyên và dạy con cháu theo chính sách của đảng và Nhà nước, không nên đẻ nhiều để cuộc sống đỡ vất vả”.
Thanh Dung