Cải thiện giao thông từ những hầm chui

Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng các hầm chui trên địa bàn TPHCM đã chứng tỏ sự hữu ích trong việc cải thiện tình hình giao thông khu vực sau khi được đưa vào khai thác.
Ngã tư An Sương là trục giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố, nơi hội tụ của 2 tuyến quốc lộ là quốc lộ 22 và quốc lộ 1. Trong đó, tuyến quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Campuchia, tỉnh Tây Ninh về TPHCM, nối vào trục xuyên tâm là đường Trường Chinh với mặt cắt ngang 10 làn xe. Còn quốc lộ 1 vận chuyển hàng hóa, hành khách vô cùng quan trọng khi nối các tỉnh miền Đông, miền Bắc với Tây Nam bộ.
Chính vì thế, nút giao này thường xuyên tập trung lượng lớn phương tiện giao thông. Tại đây, chỉ hướng giao thông đi thẳng trên quốc lộ 1 là giao thông khác mức (cầu vượt), các hướng giao thông còn lại đều có khuynh hướng tập trung vào vòng xoay trung tâm, từ đó gây quá tải tại nút giao thông này suốt hàng chục năm qua do xung đột giữa các luồng xe.
Cải thiện giao thông từ những hầm chui ảnh 1    Hầm chui nhánh N1 tại nút giao thông An Sương. Ảnh: CAO THĂNG
Và tình hình trên đã có bước chuyển biến kể từ khi nhánh hầm chui đầu tiên tại nút giao thông An Sương được đưa vào khai thác. Ngày 14-3 vừa qua, chủ đầu tư là Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã chính thức thông xe nhánh hầm đầu tiên theo hướng từ đường Trường Chinh đi quốc lộ 22, gọi tắt là nhánh N1. Thống kê mới nhất từ ngành chức năng cho thấy, từ khi cho phép lưu thông, bình quân mỗi ngày có trên 16.000 ô tô các loại lưu thông qua nhánh hầm N1 nên các hướng lưu thông còn lại tại nút đã được cải thiện tốt hơn.
Theo Sở GTVT, trên địa bàn TPHCM hiện đang khai thác 9 hầm chui. Căn cứ theo mục đích sử dụng, các hầm chui này được chia thành 3 nhóm. Đó là nhóm hầm chui dành cho người đi bộ, với 4 hầm là hầm chui Tân Tạo thuộc quận Bình Tân và 3 hầm chui khác tại nút giao thông Bình Thuận thuộc huyện Bình Chánh.
Nhóm hầm chui thứ hai chỉ cho phép các loại xe cơ giới lưu thông, cũng có 4 hầm. Đó là hầm chui theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh; đường hầm vượt sông Sài Gòn thuộc quận 1 và quận 2; hầm chui rẽ trái thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 và hầm chui tại ngã tư An Sương nêu trên.
Cuối cùng là hầm chui tại khu vực Linh Trung thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Hầm chui này cho phép cả người đi bộ và một số loại xe cơ giới lưu thông, như ô tô dưới 9 chỗ hoặc xe tải dưới 1,5 tấn, mô tô, xe gắn máy…
Một cách tổng quát, các hầm chui nêu trên sau khi đưa vào sử dụng đã chứng minh được tính hữu ích thông qua việc góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông; đặc biệt tại các khu vực tập trung đông công nhân trên tuyến quốc lộ 1. Nhờ có hầm chui Tân Tạo, an toàn giao thông cho người đi bộ và 90.000 công nhân của những công ty đóng gần đó, có nhu cầu lưu thông băng quốc lộ 1, đã được đảm bảo an toàn hơn. Trong khi đó, hầm chui Linh Trung cũng đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông và giảm áp lực giao thông trên nút giao quốc lộ 1, đường vào Khu chế xuất Linh Trung 2, cũng như tạo thêm hướng lưu thông cho phương tiện trên đường Phạm Văn Đồng có thể đi vòng để tránh khi xảy ra ùn ứ giao thông tại nút giao thông Linh Xuân.
Các hầm chui cho phép phương tiện xe cơ giới lưu thông cũng hữu ích khi góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, như hầm chui theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường hầm sông Sài Gòn… hình thành trục giao thông kết nối phía Đông và phía Tây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Tương tự, hạng mục hầm chui rẽ trái từ đường Võ Chí Công về cảng Cát Lái (thuộc dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2) sau khi đưa vào sử dụng đã giúp giảm bớt xung đột tại khu vực nút giao, giảm chiều dài dòng xe dừng chờ trên đường Võ Chí Công khi lưu thông qua vòng xoay Mỹ Thủy. Nhờ vậy, tình hình giao thông khu vực vòng xoay Mỹ Thủy đã được cải thiện so với trước đây. 
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, vẫn còn một số tồn tại, ít nhiều gây ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác công trình, đặc biệt là tại các hầm chui cho người đi bộ. Đó là tình trạng buôn bán hàng rong trong và ngoài hầm còn diễn ra, hoặc một số người dân với tâm thế thích “đi nhanh về tắt” nên vẫn cố tình leo qua dải phân cách trên quốc lộ 1 để qua đường chứ không đi qua theo lối đường hầm như tại hầm chui Tân Tạo. Họ không hiểu rằng, băng qua đường theo lối hầm chính là lựa chọn đúng và an toàn nhất cho chính bản thân mình. Những hành vi tụ tập buôn bán hàng rong trong và ngoài hầm chui hoặc hành vi qua đường theo kiều “đi nhanh về tắt” ấy còn làm mất vẻ mỹ quan đô thị và không an toàn giao thông tại khu vực.

Tin cùng chuyên mục