Cải thiện PII bằng hành động thực tiễn

Bộ KH-CN vừa công bố Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: Hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo) của 63 tỉnh thành trong năm 2023. TPHCM xếp thứ 2, sau Hà Nội.

Cải thiện PII bằng hành động thực tiễn

Dù ở cấp độ nguồn dữ liệu thứ cấp, mức độ trích dẫn từ nhiều nguồn, khảo sát từ những năm khác nhau hoặc việc thống kê của các địa phương chưa đầy đủ (tính đến tháng 6-2023), song bảng chỉ số trên là một trong những bộ công cụ để mỗi tỉnh thành soi chiếu được chi tiết góc độ ở các khía cạnh đầu ra, đầu vào, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Trong 7 trụ cột đánh giá, TPHCM có 4 trụ cột thế mạnh: Vốn con người và nghiên cứu - phát triển và Trình độ phát triển của thị trường cùng xếp hạng 2; Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ xếp hạng 3; Cơ sở hạ tầng xếp hạng 4.

Trong trụ cột Vốn con người và nghiên cứu - phát triển, tuy chỉ số Chi cho KH-CN/GRDP chỉ xếp hạng 11, song chỉ số Số tổ chức KH-CN/10.000 dân lại đứng đầu và nếu tính thêm chỉ số Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân (trong trụ cột Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ) đứng đầu cả nước, chúng ta sẽ thấy, hiệu quả thu khá cao từ mức chi. Nhóm chỉ số Giáo dục xếp thứ 7/63 tỉnh thành, song TPHCM lại xếp vị trí cao ở chỉ số Chi cho giáo dục/1 người đi học (triệu đồng), tức chi trực tiếp vào nguồn/người thụ hưởng chính sách, dịch vụ, phản ánh mục tiêu đi cùng hiệu quả của chính sách an sinh xã hội bài bản, minh bạch.

Nhóm chỉ số thuộc trụ cột Trình độ phát triển của thị trường cũng cho thấy điều tương tự. Trong nhóm chỉ số Tài chính và Đầu tư xếp thứ 8/63, có 2 chỉ số đứng đầu cả nước là Tín dụng trong khu vực tư nhân/1.000 lao động và Tài chính vi mô/GRDP, tức nguồn lực tài chính - vi mô đã len vào các thực thể chính (doanh nghiệp nhỏ và vừa). Điều đó phản ánh kết quả chính xác ở chỉ số Quy mô thị trường (xếp thứ 2/63) khi có 2/3 chỉ số trong nhóm đứng đầu cả nước là Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân/1.000 dân và Đóng góp trong GDP cả nước, tức tính hữu dụng và hiệu quả của thị trường thành phố.

Một điểm lưu ý ở nhóm chỉ số Tài sản vô hình (thuộc trụ cột Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ), trong khi chỉ số Đơn đăng ký thiết kế kiểu dáng công nghiệp/10.000 dân đứng đầu cả nước thì chỉ số Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể/10.000 dân, chỉ số Chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã, lần lượt xếp 59/63 và 52/63. Hình như có một sự “khinh suất” trong các chỉ số thuộc về thủ tục đã dẫn tới kéo giảm vị trí xếp hạng nói chung! Vấn đề quan trọng cần được sớm “giải mã” trong bảng chỉ số là Thể chế (xếp vị trí 42/63 tỉnh thành), dù đã được lãnh đạo TPHCM kiên trì, quyết liệt cải thiện và Trung ương đồng thuận, hỗ trợ trong thời gian qua.

Khi phân tích chỉ số thành phần, chúng ta thấy ngay vấn đề: chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của TPHCM dẫn đầu cả nước (chỉ số này gần như là thế mạnh trong giai đoạn 2018-2022), nhưng 2 chỉ số có thứ hạng thấp trong nhóm này lại thuộc về Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự và Chính sách thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tức năng lực hiện thực hóa thành các công cụ thực thi vẫn còn thấp, thiếu đồng bộ.

Hiện trạng này cũng lặp lại ở trụ cột Cơ sở hạ tầng khi nhóm chỉ số Hạ tầng số đứng đầu cả nước nhưng chỉ số Quản trị điện tử lại xếp thứ 12/63. Hoặc chỉ số Cơ sở hạ tầng cơ bản xếp thứ 2 nhưng chỉ số Quản trị môi trường lại nằm nhóm cuối bảng. Tức là mức độ đầu tư đạt tỷ lệ cao nhưng tính năng và hiệu quả của quản trị lại thấp. Đó là chưa kể với một thành phố đầu tàu, một vùng đất với tập quán năng động, thế nhưng chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương lại xếp thứ 62/63 của cả nước.

Đây chính là “bổ đề cơ bản” mà thành phố cần giải cho ra và đáp án đúng phải được trả lời từ thực tiễn ngay trong năm nay 2024!

Tin cùng chuyên mục