Các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bước vào thời kỳ cao điểm của vụ ép 2011-2012. Ở phía Đông Nam của tỉnh, người nông dân đang khóc ròng vì không bán được mía. Còn ở phía Đông, người dân sống gần Nhà máy đường An Khê đang “kêu trời” vì môi trường bị ô nhiễm nặng.
Ngăn sông, cấm chợ
Theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, vùng nguyên liệu mía phía Đông Nam tỉnh (tập trung ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa) có tổng diện tích gần 7.000ha. Những vụ sản xuất mía đường trước đây, vào giai đoạn cuối tháng 11 của năm trước, nông dân bắt đầu đốn mía và kéo dài việc thu hoạch cho đến hết tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vụ mía 2011-2012 đã qua 2/3 chặng đường, nhưng lượng mía nông dân bán được trên đồng chưa đến 50%. Số diện tích mía còn lại đã trổ cờ, ảnh hưởng đến chất lượng đường cũng như năng suất vụ mía 2012-2013 tới.
Theo các nông hộ vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai, có tình cảnh trớ trêu này là bởi ngoài Nhà máy đường (NMĐ) Ayun Pa (thuộc Công ty CP Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai), người trồng mía không thể bán sản phẩm cho bất kỳ nhà máy nào khác. Từ lúc hình thành nhà máy đến nay, có 80% hộ dân trong vùng cam kết bán mía nguyên liệu cho nhà máy.
Về phía Công ty CP Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai, vào mỗi vụ sản xuất, đơn vị hỗ trợ lãi suất đầu tư, giống mía cho nông dân. Ngặt một nỗi, với công suất vào thời điểm hiện nay của NMĐ Ayun Pa, mỗi ngày chỉ thu mua, tiêu thụ tối đa 3.200 tấn mía. Nhẩm tính, với hơn 50% diện tích mía còn lại của toàn vùng, phải mất hơn 60 ngày nữa NMĐ mới tiêu thụ hết mía cho nông dân. Nhưng lúc này Tây Nguyên đang vào mùa khô nên nỗi lo mía cháy khiến người trồng mía lúc nào cũng nơm nớp. Số liệu từ Công ty CP Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng qua đã có hơn 150ha mía bị cháy, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó có vụ vì liều mình cứu cánh đồng mía đang cháy, một nông dân đã tử vong tại huyện Phú Thiện hồi giáp Tết Nhâm Thìn.
Sốt ruột, những ngày qua nhiều nông dân đành chở mía đi bán cho các NMĐ ở hai tỉnh Phú Yên và Kon Tum, cách hàng trăm cây số. Nhưng, khi chở mía ra khỏi địa bàn, các xe tải lập tức bị các trạm kiểm soát xử phạt lỗi quá tải quá khổ, mức 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/trạm/xe. Một số người dân nghi ngờ có sự “bắt tay” giữa cơ quan chức năng và NMĐ Ayun Pa để ép nông dân, không cho bán mía ra ngoài. Họ dẫn chứng rằng, nếu xe chở lượng mía như vậy về bán cho NMĐ Ayun Pa thì vô can, trong khi chở đi ra ngoài tỉnh, lập tức bị lực lượng CSGT xử phạt “quá tải”!
Ảnh hưởng môi sinh
Hình thành và đi vào hoạt động trong niên vụ sản xuất 2000-2001, NMĐ An Khê (trực thuộc Công ty CP đường Quảng Ngãi) là một trong 6 nhà máy có năng suất, sản lượng cao nhất trong cả nước. Từ chỗ chỉ có năng lực sản xuất 2.500 tấn mía/ngày, sau được nâng lên 4.500 tấn mía/ngày, và hiện nay 10.000 tấn mía/ngày. Diện tích vùng mía toàn khu vực Đông Gia Lai cách đây 5 năm chỉ khoảng 10.000ha, nay đã nâng lên hơn 22.000ha, trong đó phần lớn diện tích do NMĐ An Khê đầu tư, bao tiêu đầu ra. Nhưng những con số rất “thành tích” ấy không làm dịu đi vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do nhà máy này gây ra tại thị xã An Khê và vùng phụ cận.
Từ khi đi vào hoạt động cho đến khi công suất đạt 4.500 tấn mía/ngày, nhà máy vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh nên khi xả thải đã gây ô nhiễm nước sông Ba nặng nề.
Trong khi đó, khu vực trung tâm của thị xã An Khê, toàn bộ người dân đều dùng nước sinh hoạt của Nhà máy nước An Khê, được khai thác từ dòng sông Ba. Có những thời điểm thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước lòng hồ, sông Ba tích tụ nước bẩn, cá chết đầy sông.
Theo quan trắc của Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, mức độ ô nhiễm của nước thải nhà máy cao gấp 10 lần so với quy định. Vì những vi phạm kéo dài này, trong tháng 1-2012, NMĐ An Khê đã bị ngành chức năng tỉnh Gia Lai phạt 180 triệu đồng. Trung tuần tháng 2 vừa qua, tại cuộc làm việc với NMĐ An Khê, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nghiêm khắc phê bình lãnh đạo nhà máy trước những vi phạm xả thải ra môi trường.
Ông Dũng cho rằng nhà máy không thể không có trách nhiệm trước những nguy hại từ việc xả thải ra sông Ba. Nhà máy phải hành động kiên quyết, cam kết vững chắc, rõ ràng và phải gấp rút hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy định. Nếu nhà máy không có giải pháp xử lý triệt để, tỉnh sẽ buộc phải xử lý nghiêm.
Đức Trung