(SGGPO).- Chiều 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
Qua thẩm tra dự án này, Thường trực Ủy ban Tư pháp lưu ý, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án luật này có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật tố tụng; do đó cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất giữa nội dung của dự luật với các quy định có liên quan của pháp luật tố tụng.
Trong số các vấn đề cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng nhưng đã được xóa án tích được hành nghề luật sư. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở hình thành đội ngũ luật sư vừa có tài, vừa có đức, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý.
Một vấn đề khác cũng có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự luật là việc cho hay không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Trong khi Tờ trình của Chính phủ cho rằng viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật vẫn thuộc diện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc này có thể làm giảm tính chuyên nghiệp hóa cao của đội ngũ luật sư; đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng...
Tuy nhiên, có một thay đổi quan trọng trong dự thảo luật được cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nhất trí cao, đó là việc mở rộng diện đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa. Theo đó, ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, thì người thân hoặc người đại diện hợp pháp của những đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, còn một số vấn đề có tính chất quyết định chất lượng hoạt động của luật sư vẫn chưa được xem xét, sửa đổi. Về việc có nên cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không, ông Lý cho biết, trước đây Quốc hội đã từng bàn rất kỹ. Sau khi Quốc hội quyết định không cho phép, “chúng ta đã mất khoảng 5 năm để chấm dứt thời kỳ quá độ không chuyên nghiệp này, nay lại đặt ra là không phù hợp”.
Ông Phan Trung Lý cũng cho rằng, dù đã được xóa án tích, cũng không nên cho phép một số đối tượng đã phạm tội nghiêm trọng hành nghề luật sư. “Cũng đã có quy định tương tự đối với công chứng viên”, ông Lý cung cấp thông tin. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách Phùng Quốc Hiển. Ông Hiển bình luận: “Luật sư là phải là người có đạo đức và uy tín cao trong xã hội; do đó kể cả trường hợp chỉ phải chịu hình phạt nhẹ, nhưng đã có án tích thì không nên cho hành nghề luật sư”.
Liên quan đến quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư – vấn đề mà ông Lý cho là “luật sư nào cũng đã từng gặp vướng mắc”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo – thẩm tra đánh giá, giải trình rõ sự cần thiết và quá trình thực hiện trước khi quyết định giữ hay bỏ. (Dự thảo luật quy định, với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng; song với các các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận bào chữa có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng với thủ tục cấp được đơn giản hóa). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ việc bỏ hẳn loại giấy này.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
ANH PHƯƠNG