"Cấm cho chắc ăn”! Quan điểm này bị xã hội phản ứng khá gay gắt khi nhiều nơi cái gì quản không được là cấm. Có nơi phát sinh thêm kiểu cấm cái này để quản cái kia. Dự thảo thông tin quy định về điều kiện, hồ sơ mở ngành đào tạo cao đẳng, đại học vừa được công bố mấy ngày qua khiến nhiều người liên tưởng đến điều này.
Dự thảo quy định không cho trường ngoài công lập mở các ngành đào tạo sư phạm, luật và báo chí. Chưa có lý do thuyết phục nào được đưa ra từ cơ quan quản lý là vì sao có quy định này nhưng ý kiến phản biện thì có nhiều. Luật Giáo dục coi tất cả các trường công lập và ngoài công lập đều thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và bình đẳng như nhau. Học sinh, sinh viên được đào tạo ở các loại hình trường này khi tốt nghiệp thì bằng cấp cũng ngang nhau.
Trên thực tế, chất lượng đào tạo mới là điều đáng quan tâm chứ không phải loại hình trường, vốn chỉ khác nhau ở chủ đầu tư. Mà chất lượng đào tạo hiện nay vốn là điều “nhạy cảm” đối với nhiều trường và cơ quan quản lý. Việc cấp phép hoạt động khi mà trường… không có trường, không có giáo viên là điều nhức nhối, cần thời gian dài để khắc phục. Ở các trường “thiếu đủ thứ” này, chất lượng đào tạo kém là điều đương nhiên và có thể nhìn thấy ở tất cả các ngành chứ không riêng gì ngành sư phạm, luật hay báo chí.
Vậy lẽ nào vấn đề lại nằm ở bản thân 3 ngành đào tạo này? Thầy giáo, luật sư hay nhà báo hiện nay cũng là những nghề mà bất cứ một công dân nào cũng học được nếu đủ điều kiện. Và việc đào tạo các ngành này cũng bình đẳng như các ngành nghề khác, xét trên góc độ đào tạo. Vì vậy, việc không cho các trường ngoài công lập đào tạo chứng tỏ có sự khác biệt trong đào tạo giữa trường công lập và ngoài công lập và có sự khác biệt trong đào tạo giữa các ngành. Nếu đúng như vậy thì điều này đã đi ngược lại chủ trương chung của Luật Giáo dục.
Có thể, dự thảo cũng chỉ là… dự thảo và rồi sẽ được chỉnh sửa. Nhưng dự thảo bản thân nó đã mang ý chí của cơ quan quản lý nhà nước trước một vấn đề nào đó. Đây là điều cần “chỉnh sửa” căn cơ hơn.
MINH KHANG