Toàn cảnh quần vợt thế giới năm 2006

Cảm xúc dạt dào, bi - hài lẫn lộn

Cảm xúc dạt dào, bi - hài lẫn lộn
  • Những nhân vật lịch sử của năm...

Đầu tiên, xin hãy dành thời gian để ngả mũ thán phục Roger Federer. Đây là năm thứ 3 liên tiếp anh này lại đứng vững ở ngôi số 1 thế giới. Có thể nói, Federer đã tiếp tục ghi dấu vào lịch sử ATP bằng hàng loạt kỷ lục đáng nể.

Đầu tiên, anh là người vượt ngưỡng 90 trận thắng trong một mùa giải mà Jimmy Conners từng lập trước đây - thành tích của Federer trong mùa 2006 là 92 trận thắng (và anh chỉ thua vỏn vẹn 2 trận). Thứ hai, số tiền thưởng kiếm được trong một mùa giải đã vượt “định mức” 7 triệu trong lịch sử ATP - Federer kiếm được đến 8,34 triệu USD trong mùa này.

Với 12 danh hiệu cả thảy (trong đó có 3 ngôi vô địch Grand Slam và ngôi “bá chủ” tại Masters Cup cuối mùa), còn ai có thể đòi hỏi những gì từ Federer? Và nếu tiếp tục đứng vững ở ngôi Vua cho đến hết tháng 2 năm sau, Federer sẽ trở thành một tượng đài mới của ATP về kỷ lục có số tuần liên tiếp đứng ngôi số 1 nhiều nhất từ trước đến nay.

Cảm xúc dạt dào, bi - hài lẫn lộn ảnh 1

Federer (phải) và Nadal sẽ tiếp tục chia sẻ ATP?

Chấn thương khiến Justine Henin-Hardenne ra sân ít hơn nhiều so với các tay vợt nữ khác nằm trong tốp 10 ở mùa giải 2006. Tuy nhiên, những gì cô làm được lại hoàn toàn ấn tượng. Trong số 13 giải đấu mà Henin tham gia, cô vào đến ít nhất là bán kết trong 11 giải đấu (đăng quang ở 6 giải trong số này). Với ngôi vô địch tại Roland Garros và WTA Championships cuối mùa (giải dành cho 8 tay vợt nữ mạnh nhất trong năm), Henin hoàn toàn xứng đáng chiếm lĩnh ngôi số 1 thế giới từ tay Amelie Mauresmo.

Khi Andre Agassi thốt lên: “Tất cả mọi người ở đây đều là bạn của tôi. Xin chân thành cảm ơn các bạn. Chào tạm biệt” và khóc, hơn 10 ngàn khán giả hiện diện tại Flushing Meadows bật khóc theo anh. Họ biết họ đã chứng kiến một sự kiện lịch sử quần vợt lớn nhất - một huyền thoại quần vợt thập niên 90 đã giã từ sân đấu sau 21 năm trời lăn lộn. Và đúng như lời Agassi nói: “Tôi không đến đây để từ bỏ”, anh đến với US Open cuối cùng trong cuộc đời mình để... sống mãi trong lòng mọi người. Thế giới gạt lệ chia tay với một con người, một con người đã khiến cho quần vợt trở nên diễm lệ hơn, xúc động hơn!

US Open 2006 cũng chứng kiến một cuộc chia tay ấn tượng khác - chia tay với “lão bà” Martina Navratilova. Navratilova là một hiện tượng của sự bền bỉ. Giã từ quần vợt chuyên nghiệp lần đầu năm 1994, Navratilova lại quyết định quay trở lại trong năm 2004 (khi bà đã bước sang tuổi 48) và từ đó cho đến năm 2006, bà giành thêm một 4 danh hiệu đôi đáng kể khác.

Tổng cộng, trước khi chính thức giải nghệ ở US Open 2006, Navratilova giành được cả thảy 345 danh hiệu (168 danh hiệu đơn và 177 danh hiệu đôi). Đó là một kỷ lục đáng nể và quần vợt thế giới đã chịu một tổn thất rất lớn khi bà quyết định về vườn vui vầy cùng con cháu. Nhưng với cá tính kiên cường thế này, ai mà biết... bà có trở lại vào một năm khác hay không?

Từ giã thế giới quần vợt sau 3 năm, Nữ hoàng Martina Hingis đã trở lại ở đầu mùa giải 2006 và mang đến một ngọn gió tươi tắn mới. Ban đầu, người ta tưởng rằng, từ ở vị trí hạng... 9999 thế giới (thực chất, WTA xem hạng 9999 như là không được xếp hạng), Hingis với nỗ lực rất lớn đã leo lên tốp 100, tốp 50, tốp 20 rồi giờ đây là tốp 10 (hạng 7). Sự quay trở lại kỳ diệu của Hingis được ghi nhận là một trong 3 sự trở lại kỳ diệu nhất trong lịch sử quần vợt thế giới cả nam và nữ.

  • Những cái nhất chính thống và cả những cái nhất... đầy thú vị!

- Tay vợt nam xuất sắc nhất: Federer (dĩ nhiên).

- Tay vợt nữ xuất sắc nhất: Henin (cũng dĩ nhiên).

- Tay vợt nam cũ nhất nhưng kiên cường nhất: James Blake - người tự làm sống lại sự nghiệp của mình sau khi tưởng chừng phải giải nghệ vì rất nhiều căn bệnh trên thân thể. Hiện Blake đang xếp thứ 5 thế giới (vị trí cao nhất mà anh từng đạt được) và là tay vợt da màu duy nhất nằm trong tốp 10.

Cảm xúc dạt dào, bi - hài lẫn lộn ảnh 2

Mauresmo đang ôm chầm huấn luyện viên Courtreau – khoảnh khắc tuyệt vời nhất của WTA 2006.

- Tay vợt nữ cũ nhất nhưng kiên cường nhất: Amelie Mauresmo - trước năm 2006 (nghĩa là trong suốt 12 năm sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp), cô chẳng có nổi một danh hiệu Grand Slam nào. Ngôi vô địch WTA Championship 2005 là danh hiệu lớn duy nhất mà cô từng có. Mọi chuyện trong năm 2006 đã thay đổi, Mauresmo đăng quang tại Australia Open và Wimbledon. Giờ đây, người ta sẽ thôi châm biếm rằng cô chỉ lọt vào hàng ngũ các đại gia nhờ... những danh hiệu nhỏ nhặt.

- Trận đơn nam hay nhất: Trận Rafael Nadal đánh bại Federer 6/7, 7/6 (7-5), 6-4, 2-6, 7-6 (7-5) ở chung kết Roma Masters. Hàng loạt điểm số kết thúc trận đấu đã bị cả hai tay vợt lãng phí, ván cuối phải phân định bằng loạt tie-break đầy kịch tính không thua loạt “đấu súng” 11 mét luân lưu trong... bóng đá.

- Trận đơn nữ hay nhất: Trận Mauresmo đánh bại Henin 2/6, 6/3, 6/4 ở chung kết Wimbledon. Không có giả vờ, không có chấn thương và bỏ cuộc, không có sự chỉ đạo trắn trợn (à không, cũng có đôi chút). Chỉ có những pha bóng đẳng cấp giữa hai tay vợt giỏi nhất thế giới. Ước gì sẽ có nhiều hơn những trận đấu như thế này.

- Huấn luyện viên của năm (ATP): Ông Tony (papa) Roche - người huấn luyện và chỉ đạo cho Federer.

- Huấn luyện viên của năm (WTA): Ông Loic Courtreau - người thầy của Mauremo, người đã mang lại sự tự tin cho Mauresmo để tìm kiếm hai danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp... dài dằng dặc.

- Tay vợt nam tiến bộ nhất: Marsco Baghdatis - anh này xếp ngoài tốp 50 thế giới vào đầu năm 2006. Nhưng với những chiến tích đáng kể như vào đến chung kết Australia Open, bán kết Wimbledon, ngôi vô địch giải Bắc Kinh mở rộng... Baghdatis đã hoàn tất năm 2006 với vị trí hạng 12 thế giới.

- Tay vợt nữ tiến bộ nhất: Anna Chekvetadze - tay vợt nữ người Nga đã nhảy từ hạng 33 lên hạng 13 thế giới và giành được ngôi vô địch tại Kremlin Cup. Một tay vợt đáng xem trong năm nay.

- Khoảnh khắc tuyệt vời nhất (ATP): Agassi vừa khóc vừa nói: “Tất cả mọi người ở đây đều là bạn của tôi. Xin chân thành cảm ơn các bạn. Chào tạm biệt!” sau trận thua Benjamin Becker tại US Open 2006.

- Khoảnh khắc tuyệt vời nhất (WTA): Mauresmo ôm chầm lấy huấn luyện viên Courtreau của mình sau khi đánh bại Henin. Sau đó, cô tuyên bố: “Đừng nói thêm gì về nghị lực của tôi nữa”.

- Sự quay trở lại ấn tượng nhất (ATP): Blake.
- Sự quay trở lại ấn tượng nhất (WTA): Hingis.

- Câu bình luận ấn tượng nhất của một tay vợt: Khi được yêu cầu miêu tả sự khác biệt giữa US Open và Wimbledon, tay vợt người Nga Svetlana Kuznetsova đã “buông” ra một câu rất ấn tượng: “Có lẽ nó hoàn toàn giống như... màu đen với màu xanh, hay... màu trắng với màu đen, bạn biết đấy, hay là đỏ với đen, bất cứ thứ gì, bạn biết đấy. Nó chỉ là sự khác biệt. Nó giống như sự khác biệt giữa hai loại nước ngọt: Sprite và Coca, bạn biết đấy!”.

- Câu bình luận ấn tượng nhất của một bình luận viên truyền hình: Khi chứng kiến Chủ tịch tập đoàn KIA Motors phát biểu trong buổi lễ trao thưởng Australia Open, Brad Gilbert - bình luận viên của kênh truyền hình ESPN2 thốt lên (mà quên khuấy đi rằng mình chưa tắt... micro): “Thằng cha này nói tiếng Anh quá nghèo nàn”.

- Câu phát biểu... hứng khởi nhất: Được hỏi sẽ làm gì sau chiến thắng ở bán kết Australia Open, Baghdatis nói: “Tôi sẽ tham khảo một vài điều với huấn luyện viên, sau đó tôi sẽ... ngủ với bạn gái của mình”.

- Nụ cười tươi nhất sau... thất bại: Sau khi thua đôi Jonas Bjorkman - Max Mirnyi một cách chóng vánh, Feliciano Lopez (đánh cặp cùng Nadal) đã cười rất tươi và bông đùa với khán giả thế này: “Tôi cần một khoản tiền quyên góp để học những bài học như thế này”. Dĩ nhiên, tất cả khán giả đều cười và… chẳng cho Lopez  một đồng nào cả.

- Sự xuất hiện ấn tượng nhất: Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng hệ thống điện tử “Mắt diều hâu” đã được áp dụng rộng rãi và đa số các tay vợt đều đồng tình với độ chính xác mà “Mắt diều hâu” mang lại.

- Tay vợt nam gây thất vọng nhất: Kể từ khi Marat Safin dẫn dắt tuyển Nga giành ngôi vô địch Davis Cup 2006, mọi ánh mắt đồng loạt chuyển sang “thần đồng” của quần vợt Pháp - Richard Gasquet. Giờ đây, anh này đã bước sang tuổi 20 và đứng giữa hai lựa chọn: một là lọt vào tốp 5 thế giới, hai là… đơn giản trở thành một Henri Leconte khác.

- Tay vợt nữ gây thất vọng nhất: Chị em nhà Williams - không thực hiện nổi những tuyên bố long trọng đầu mùa giải: sẵn sàng trở lại tốp đầu. Chấn thương là lý do khiến cả Venus lẫn Serena không làm tốt cam kết của mình. Nhưng hãy nhìn những cuộc vui thâu đêm của họ tại Florida, rồi thì… vụ kiện đòi bồi thường hợp đồng.

- Tay vợt ăn mặc xấu nhất: Bethanie Mattek – có lẽ Heidi Klum còn phải ganh tị với cô.

- Tay vợt ăn mặc... “lúa” nhất: Radek Stepanek – nhìn anh trông giống như một tay bán hàng dạo không kìa!

- Tay vợt ăn mặc nhã nhặn nhất: Sharapova trong bộ váy đen ở US Open.

- Tay vợt “lắm trò” nhất: Lleyton Heiwitt - vì sự lo sợ “hoang tưởng” là sẽ bị khủng bố ở Argentina khi tuyển Australia đến đây tham gia trận bán kết Davis Cup 2006, Hewitt đã mang theo cả một đội bảo vệ hùng hậu. Kết quả: anh chẳng bị mất một cọng tóc nào nhưng... thi đấu rất tồi tàn.

- Khép lại năm cũ 2006, hãy cùng nhau nói lời chia tay với: Agassi, Navratilova, Shinobu Asagoe, Steve Bellamy, Alex Corretja, Al Costa, Mariana Diaz-Oliva, David Higdon, Thomas Enqvist, Nicolas Escude, Felix Mantilla và Sarge Sargsian.

Những câu hỏi được dư luận quan tâm nhất trong năm 2007

- Ai sẽ là ứng viên nghiêm túc trong việc đe dọa Vua Federer?

- Maria Sharapova có thể dựng nên triều đại nữ hoàng của mình hay không?

- Sự thay đổi của lịch thi đấu liệu có làm giảm thiểu tình trạng chấn thương?

- Andy Roddick và Jimmy Conners liệu có còn tiếp tục “mặn nồng”?

- Ai sẽ là người vực dậy quần vợt nữ nước Mỹ?

- Các tay vợt có còn cái cảm giác như bơi trong cái hồ Iowa khổng lồ khi gặp Federer hay... leo lên những ngọn đồi cát không bao giờ có điểm kết thúc ở sa mạc Sahara khi gặp Badal trên mặt sân đất nện?

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục