Mỗi năm, hàng trăm ngàn lượt người con đất Việt cùng đông đảo bạn bè quốc tế đã đến viếng thăm Bến Nhà Rồng - nơi năm xưa Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tự hào, kính yêu, ngưỡng vọng - là những cảm xúc thiêng liêng còn lưu lại trong những dòng nhật ký…
Gặp kỷ vật càng nhớ Người
“Tháng 7-1959, tôi vinh dự được đi cùng Bác về thăm Sơn Tây. Đấy là lần đầu tiên tôi được viết về Bác. Nhớ đến Người, tôi nhớ hình ảnh một ông cụ quắc thước trong bộ bà ba nâu bình dị đến xúc động. Tháng 9-1969, đang công tác tại Phnôm Pênh, tôi nhận điện thoại từ trong nước báo tin Bác qua đời. Tôi đã òa khóc…” - những dòng cảm xúc trên tuôn trào khi ông Đoàn Bá Từ, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đến viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM.
Không chỉ riêng ông, những ai được may mắn gặp Bác đều không thể nén được cảm xúc nghẹn ngào khi đến Bến Nhà Rồng. Vợ chồng ông Lê Văn Hiếu và bà Đoàn Thị Vui, đều là giáo viên, ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cũng vậy. Từng một lần gặp Bác cũng như đã về thăm quê Bác, trong lần đến Bảo tàng TPHCM, ông bà chia sẻ: “Từ lần gặp Bác tại Nam Định vào ngày 1-5-1963, những ấn tượng sâu sắc đến từ cuộc sống giản dị, trong sáng, tư tưởng vĩ đại của Bác luôn là nguồn sức mạnh trên bước đường công tác của chúng con. Chúng con nguyện noi gương Bác, giáo dục cho thế hệ con cháu sống, học tập theo Bác, phấn đấu cho một Việt Nam to đẹp hơn như Bác mong đợi”.
Là chiến sĩ Điện Biên, đã cùng đồng đội vào bắt sống tướng De Castries và được Bác Hồ trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để cắm lên nóc hầm chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ nên với ông Hoàng Đăng Vinh, được về thăm nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm xưa luôn là điều canh cánh bên lòng. “Nghe giới thiệu và xem đầy đủ các hiện vật, lòng cứ nghẹn ngào, càng biết ơn công lao trời biển của Bác và hứa sẽ xứng đáng với Người” - ông Vinh bộc bạch.
Nguyện theo gương Bác
Trong lần đến bảo tàng, hình ảnh “viên gạch sưởi ấm” rất đỗi đời thường đã gợi cho bạn Trần Thị Tú Lan thật nhiều cảm xúc: “Viên gạch mà Bác để lại đã dạy tôi bài học về sự cần kiệm, sáng tạo từ cái nhỏ bé nhất và không bao giờ được xem thường cái gì dù là nhỏ nhất, vì nó có thể thay đổi cuộc đời mình. Hình ảnh viên gạch còn giúp tôi hiểu rằng phải sống trọn vẹn với từng ngày, từng tháng mình đang có và tự hào hơn về dân tộc Việt Nam”. Học tập Người, rất nhiều bạn trẻ đã nguyện sống xứng đáng, phấn đấu không ngừng, học tập theo tấm gương đạo đức của Bác. Sau buổi học ngoại khóa tại bảo tàng, bạn Nguyễn Thị Minh, sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, bày tỏ: “Được nghe giới thiệu, được nhìn tận mắt những tư liệu, hiện vật vô giá của Người, chúng tôi như đang đi ngược chuyến tàu thời gian, như được tiếp thêm động lực học tập, phấn đấu để xứng đáng là con cháu của Bác”. Trước ngày lên đường cùng đội “Trí thức trẻ tình nguyện” về phục vụ ở Cà Mau, bạn Nguyễn Tý, cựu SV ĐH KHXH-NV TPHCM đã cùng mẹ đến viếng Bác. Anh tâm niệm: “Những người trẻ chúng con hôm nay sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, Bác ơi…!”.
Còn bạn Nguyễn An Trung cùng đoàn Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Nhật trong những ngày về thăm quê cũng đã tranh thủ đến đây viếng Bác. Anh ghi lại những dòng như thế này: “Dù làm gì, ở đâu tôi cũng không được quên mình là người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ. Tôi sẽ cùng bạn bè đem kiến thức góp phần xây dựng quê hương”. Trong khi đó, đến viếng và dâng hương tưởng niệm Người tại Bến Nhà Rồng sáng 1-2, 48 thành viên Hội Người cao tuổi phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM cùng chung suy nghĩ: “Chúng tôi chưa từng gặp Bác nhưng tất cả nguyện theo gương Bác, chung sức xây dựng nước non này”.
Hồ Chí Minh - Người bạn lớn của bạn bè quốc tế “Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà của cả chúng tôi nữa!”. Đó là lời của đoàn đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong một lần đến thăm bảo tàng. Suốt hành trình bôn ba nơi xứ người tìm đường giải phóng dân tộc, cuộc đời Bác là sự hy sinh vô bờ bến. Nhân cách vĩ đại của Người khiến hàng triệu trái tim bạn bè thế giới nghiêng mình kính phục. Nói như lời ông Richard Dixon (người Anh) thì: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Những thành tựu Người thực hiện là có một không hai. Muốn hiểu rõ nước Việt Nam hiện nay ra sao, nhất thiết phải nghiên cứu cuộc đời Hồ Chí Minh. Và như một người Pháp đã viết, “nhân dân Việt Nam phải rất tự hào vì đã có Người!” ”. |
Minh An