Vụ Công ty Địa ốc Gò Môn “mua” đất trái phép

Cán bộ móc ngoặc,tiếp tay

Bà Phạm Thị Tuyết Lan - một tư nhân, không có giấy phép kinh doanh, không có quyền sử dụng đất, đã “lừa” gom đất của 19 hộ dân tại khu dân cư phường 12 quận Gò Vấp TPHCM “bán” cho Công ty Địa ốc Gò Môn (thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) làm dự án để thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng. Tiếp tay cho bà Lan và Công ty Gò Môn là một loạt quan chức địa phương… Đó là kết quả thanh tra mà Thanh tra TPHCM đã báo cáo Thường trực UBND TP ngày 14-10 vừa qua…
Cán bộ móc ngoặc,tiếp tay

Bà Phạm Thị Tuyết Lan - một tư nhân, không có giấy phép kinh doanh, không có quyền sử dụng đất, đã “lừa” gom đất của 19 hộ dân tại khu dân cư phường 12 quận Gò Vấp TPHCM “bán” cho Công ty Địa ốc Gò Môn (thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) làm dự án để thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng. Tiếp tay cho bà Lan và Công ty Gò Môn là một loạt quan chức địa phương… Đó là kết quả thanh tra mà Thanh tra TPHCM đã báo cáo Thường trực UBND TP ngày 14-10 vừa qua…

  • Móc ngoặc lấy đất của dân đi... bán

Khu đất quy hoạch dân cư trong khu công nghiệp tại phường 12 Gò Vấp được Kiến trúc sư trưởng TP duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo Quyết định 16653 ngày 18-11-1998 và 1116 ngày 10-4-2001. Tuy nhiên, theo đoàn thanh tra, quy hoạch này có một số nội dung không phù hợp quy hoạch chung của quận đã được UBND TP phê duyệt theo Quyết định 784 ngày 10-2-1995 (khu đất hơn 10ha nằm giữa khu dân cư đã được UBND TP phê duyệt là đất công nghiệp và cây xanh ven rạch nhưng quy hoạch chi tiết lại điều chỉnh thành đất khu dân cư phát triển).

Công ty Địa ốc Gò Môn (ĐOGM) đã gửi 3 văn bản xin UBND quận Gò Vấp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 13 người dân SDĐ nông nghiệp với tổng diện tích 91.874m2, và được Chủ tịch UBND quận duyệt chấp thuận.

Ngày 8-9-2000 toàn bộ 13 hộ đã đồng ý lập giấy tay ủy quyền cho bà Phạm Thị Tuyết Lan, một tư nhân thường trú tại 376/2C Phan Đăng Lưu phường 1, Phú Nhuận, thay mặt thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ và chuyển quy hoạch SDĐ.

Cán bộ móc ngoặc,tiếp tay ảnh 1

Kiểm tra các văn bản pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng 8,25ha QSDĐ tại dự án khu dân cư và khu công nghiệp phường 12 quận Gò Vấp, Đoàn thanh tra nhận thấy giấy ủy quyền ngày 8-9-2000 của 13 hộ dân cho bà Phạm Thị Tuyết Lan không có chứng nhận của cơ quan chức năng mà chỉ có chữ ký và dấu lăn tay (trái với Điều 589 Bộ luật Dân sự và Điều 2 Nghị định 17 ngày 29-3-1999 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai).

Căn cứ để ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là giấy ủy quyền của 13 hộ dân nhưng các hộ này không ủy quyền cho bà Lan ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với ĐOGM (chỉ ủy quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận). Thậm chí, khi ký hợp đồng chuyển nhượng còn có 3 hộ chưa có giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 7.796m2. ĐOGM đã không thực hiện Nghị định 22/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi thu hồi đất. Đã vậy, Phòng QLĐT quận Gò Vấp còn hướng dẫn các hộ dân làm đơn xin giao trả đất và ĐOGM làm đơn xin cấp đất và xin SDĐ xây dựng, trái với Nghị định 17.

Đến nay, mặc dù chưa được cấp thẩm quyền giao đất nhưng ĐOGM đã tiến hành phân khu chức năng theo phương án được duyệt và xây dựng 10 căn biệt thự song lập.

  • Đồng bạc đâm toạc... luật pháp

Chưa dừng lại, ngày 8-1-2001, ĐOGM tiếp tục lập phương án đầu tư dự án 2,9ha kế đó để liên kết với dự án 8,25 ha. ĐOGM tiếp tục ký hợp đồng không số với bà Phạm Thị Tuyết Lan nhận chuyển nhượng trên 29.800m2 QSDĐ của 6 hộ dân với giá 290.000đ/m2, thành tiền gần 8,652 tỉ đồng.

Theo sự hướng dẫn của Phòng QLĐT Gò Vấp, ngoài việc ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với bà Lan theo giấy ủy quyền không có xác nhận của chính quyền địa phương, ĐOGM còn ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với từng hộ riêng lẻ (6 hộ) nhằm hợp thức hóa trình tự thủ tục xin giao đất thực hiện dự án và đã chi cho bà Lan 8,326 tỉ đồng.

Đến thời điểm thanh tra, ĐOGM đã thu của 117 cá nhân và pháp nhân góp vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 159 nền nhà với tổng số tiền trên 26,5 tỉ đồng (3,3 triệu đồng/m2), chưa tính giá trị xây dựng nhà. Và đến 31-1-2004 ĐOGM đã chi cho dự án hơn 36,552 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí chuyển nhượng đất cho bà Lan là 22,865 tỉ, đền bù giải tỏa làm đường 3,357 tỉ (chi cho bà Lan riêng khoản này cũng đến xấp xỉ 2,2 tỉ đồng)… Tổng cộng các khoản, ĐOGM đã chi cho bà Lan 31 tỉ đồng… Ngoài ra, ĐOGM còn thanh toán theo đề nghị của Phòng QLĐT Gò Vấp 2% cho khoản gọi là “chi phí phục vụ đền bù giải tỏa mở đường”.

Qua hồ sơ mà ĐOGM cung cấp, tại khu 8,25 ha, 13 hộ dân đã chuyển nhượng cho bà Lan với giá từ 100.000đ đến 150.000đ/m2. Toàn bộ số đất này đều được bà Lan “nhượng” lại cho ĐOGM theo giá 280.000đ/m2 và đã được công ty thanh toán tổng cộng trên 22,865 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch mà bà Lan hưởng qua việc này lên đến 11,832 tỉ đồng. Tương tự, tại khu đất 2,9 ha, sau khi “mua” của các hộ dân với giá từ 100.000đ đến 140.000đ/m2, bà Lan cũng “bán” lại cho ĐOGM với giá 290.000đ/m2, và hưởng tiếp chênh lệch hơn 4,772 tỉ đồng (mặc dù đã ký hợp đồng chuyển nhượng QSĐ với các hộ dân nhưng ĐOGM không chi một đồng nào cho họ).

Tổng cộng, bà Lan đã hưởng lợi bất chính trên 16,604 tỉ đồng từ việc mua bán, chuyển nhượng trái phép.

  • Cán bộ nhiệt tình... sai phạm!

Theo đoàn thanh tra, quá trình “đi đêm” giữa bà Lan và ĐOGM đã không xảy ra nếu không có sự tiếp tay của một loạt quan chức thuộc Phòng QLĐT, UBND phường 12 và quận Gò Vấp. Theo báo cáo gửi Đoàn Thanh tra của ĐOGM, tháng 9-2000 ông Trần Kim Long, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã thông báo cho ông Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc ĐOGM) biết có khoảng 10ha đất nguồn gốc tư nhân nằm trong khu quy hoạch dân cư trong khu công nghiệp. ĐOGM đã chỉ đạo cử cán bộ khảo sát thực địa, mặt bằng giá cả khu vực để có hướng đầu tư xây dựng khu nhà ở, đồng thời mướn ông Dương Công Hiệp – Phó Phòng QLĐT quận tư vấn hỗ trợ giao dịch chuyển nhượng cho công ty.

Và tại tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, UBND TP giao đất cho ĐOGM, cả UBND phường 12, Phòng QLĐT và UBND quận Gò Vấp đều báo cáo “ĐOGM đều đã đền bù cho các hộ dân”, mặc dù thực tế giữa ĐOGM và các hộ dân không lập thủ tục đền bù, công ty không chi tiền đền bù cho các hộ dân, không có biên bản thoả thuận, biên bản kiểm tra hiện trạng đền bù. Trên thực tế, các hộ dân chỉ quan hệ mua bán, chuyển nhượng với bà Phạm Thị Tuyết Lan từ năm 1998-1999.

Trong hồ sơ còn có 2 giấy cam kết gửi UBND phường 12 ngày 27-10-2000 của hộ ông Trương Quang Ty và Trần Nhật Chánh “xin được SDĐ trồng sen khi chưa san lấp và cam kết sẽ giao đất cho công ty”, có chứng thực của Phó Chủ tịch UBND phường 12 Nguyễn Thị Bích, đều viết: “…tôi có bán đất cho bà Phạm Thị Tuyết Lan. Hiện nay mọi thủ tục giao nhận đất, tiền giữa tôi và bà Lan đã hoàn tất”.

Theo đoàn thanh tra, các tài liệu trên cho thấy UBND phường 12 và Phòng QLĐT Gò Vấp đã biết việc tư nhân Phạm Thị Tuyết Lan mua gom đất của 19 hộ dân trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Thậm chí, bà Hứa Ngọc Châu – Chủ tịch UBND phường 12 Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Bích – Phó Chủ tịch, ông Trần Văn Nhịn – cán bộ địa chính phường lúc bấy giờ còn chứng thực vào các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không đúng sự thật.

Ông Lâm Văn Trừ – Trưởng phòng QLĐT và ông Dương Công Hiệp – Phó Phòng QLĐT tiếp tục báo cáo nguồn gốc đất không đúng sự thật, hướng dẫn ĐOGM hợp thức hoá hợp đồng chuyển nhượng và sau đó trình Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long phê duyệt chấp thuận mà không kiểm tra thực tế để việc thu gom chuyển nhượng đất đai trái pháp luật nghiêm trọng diễn ra hoàn tất.

PHẠM TRƯỜNG – HOÀI NAM
 

Tin cùng chuyên mục