Cần cái tâm

Tôi là giáo viên biên chế gần 40 năm trong nghề và đã về hưu, đi làm tư nhân được 5 năm. Lúc tôi làm Tổng phụ trách Đội ở trường, rất nguyên tắc về giờ giấc. Quận đoàn lấy liên đội tôi làm mẫu, đại hội bầu ban chấp hành và tôi mời lúc 17 giờ – sẽ làm vỏn vẹn đến 18 giờ để các em về nhà. Ngay cả đồng chí chỉ đạo, đúng 17 giờ không xuống dự, tôi vẫn tiến hành tổ chức đại hội, gần 18 giờ cô ấy mới xuống, tôi nói: “Chị xuống vừa đúng lúc chào cờ bế mạc”. Dĩ nhiên không ai nói tôi được. Còn đám cưới hay liên hoan ở mọi nơi thường trễ cả tiếng đồng hồ – nó trở thành một thói quen lề mề. Nhưng khi lãnh đạo làm gương như vị hiệu trưởng trường cũ của tôi, đi sớm về trễ, thì không ai dám đi trễ giờ. Và, cái hay của tư nhân là họ trừ thẳng tiền ngày công nếu đi trễ. Gút lại: muốn chống lãng phí thời gian thì chúng ta (nói về nghề nghiệp) cần phải có cái tâm – yêu nghề và không bê tha công việc, thì rõ ràng thời gian sẽ là vàng bạc. Và, từ đám cưới đến tiệc tùng, hễ đúng giờ là làm, ai đến trễ tự động họ sẽ ngượng ngùng và từ đó có thói quen đi đúng giờ, chứ có khó khăn gì?

VÕ ĐỨC BIỆC
(Cựu GV quận Phú Nhuận – TPHCM)

Cần có những biện pháp mạnh

Có thể nói “căn bệnh” lãng phí thời gian đã thấm sâu vào tiềm thức nhiều người Việt, là vì thói quen lừng khừng, đủng đỉnh từ thời bao cấp để lại. Tuy nhiên, căn bệnh ấy đang được chúng ta nỗ lực khắc phục và phòng chống mọi lúc mọi nơi, hiệu quả thấy rõ, bắt đầu từ các công sở. Một yếu tố thuận lợi là nhịp sống hiện đại đã và đang bắt buộc mỗi người đang độ tuổi lao động và học tập phải cố gắng để xóa bỏ thói quen cũ. Bởi nếu cứ tiếp tục hành vi bê trễ kiểu “giờ cao su”, mỗi người sẽ phải đối diện với sự phê phán thẳng thắn của đồng nghiệp hoặc lãnh đạo của mình.

Như vậy, đây là thời điểm để đoạn tuyệt với thói quen lãng phí thời gian. Những năm qua, hội nhập kinh tế và văn hóa của Việt Nam với thế giới ngày càng sâu rộng, đã tạo ra một dòng văn hóa phổ biến là “văn hóa sử dụng thời gian hợp lý”. Nhiều bạn tôi nói với nhau rằng “Muốn biết thế nào là kỷ luật thời gian, hãy vào công ty nước ngoài thì rõ”. Quả thật, thực tế rất dễ thấy, mỗi thành viên thuộc các công ty, đơn vị kinh tế có yếu tố nước ngoài đều phải chấp hành tuyệt đối về mặt thời gian, không ai được phép chậm trễ nếu thiếu lý do khả dĩ, kể cả người đứng đầu. Chính sự khắt khe ấy đã khiến nhiều nhân viên người Việt ban đầu tuy thấy khó chịu, nhưng sau đó thấy gắn kết đến mức “biết sợ” sự lãng phí thời gian.

Trong cùng một thành phố, thời gian “ta” và “Tây” hoàn toàn giống nhau, vậy tại sao họ nghiêm túc, còn ta nhiều nơi vẫn lãng phí? Bạn tôi kể lại: câu hỏi ấy đã được một công ty thương mại dịch vụ tại TPHCM đưa ra thảo luận. Sau buổi ấy, ông giám đốc quyết định bằng những biện pháp mạnh, sẽ trừ tiền lương nếu nhân viên đến trễ giờ mà không trình bày lý do chính đáng. Và sẽ khen thưởng nếu nhân viên sáng tạo, biết tranh thủ thời gian hoặc làm thêm giờ để tiếp xúc với khách hàng, mở rộng thị phần. Kết quả là tất cả cán bộ và công nhân viên không dám vi phạm bớt xén thời gian. Ngoài việc lắp đặt hệ thống kiểm tra tự động ở cổng công ty, ông giám đốc còn nghiêm cấm sự giả dối khá phổ biến như “trình diện” xong thì… ra ngoài uống nước, tán gẫu, làm việc riêng trong giờ hành chính…

Bất cứ công việc gì cũng đều có kẽ hở để mỗi người chậm trễ, nếu sơ ý hoặc thiếu tự giác. Do đó, mỗi cơ quan đơn vị đều phải tìm biện pháp chế tài riêng theo tính chất công việc. Sự lãng phí thời gian sẽ kéo theo bao hệ lụy, gây phiền hà và thậm chí tổn thất về kinh tế, lòng tin, uy tín của cơ quan với đối tác, nhất là nước ngoài. Chúng ta cần nhắc nhở lẫn nhau để mọi việc từ công đến tư đều “chuẩn giờ, không co giãn”, trở thành nếp sống bình thường, văn minh, khoa học và là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam.

LIÊN HÙNG
(Quận 9 - TPHCM)
 

Tin cùng chuyên mục