Cần chấm dứt cảnh “con nghiện bám cầu”

Số phận những cây cầu
Cần chấm dứt cảnh “con nghiện bám cầu”

Số phận những cây cầu

Cần chấm dứt cảnh “con nghiện bám cầu” ảnh 1
Cầu Bình Tây – nơi nhiều con nghiện ở cả ngày lẫn đêm. Ảnh: T.V.

Cầu Bình Tây nối liền phường 1 (Q6) và phường 13 (Q8) đáp ứng việc đi lại cho nhiều người. Tuy nhiên, kể từ khi cây cầu được hình thành, rất ít người dân đi lại, nhất là về đêm. Vì sao? Chị Đặng Thị Ba, chủ quán nước gần đầu cầu, phía đường Trần Văn Kiểu (Q6), cho biết: “Ngày cũng như đêm, những người nghiện ma túy bám víu vào cầu để hút chích, người đi đường ai cũng rợn da gà”.

Chị Ba còn cho biết, người lạ qua cầu nếu không cảnh giác rất dễ bị con nghiện trấn lột.

Nhiều trường hợp người dân khi qua cầu đã bị những con nghiện làm “thót tim”. Anh Trần Công Tính, quê ở Nam Định, công nhân làm việc tại công trình Đại lộ Đông-Tây, kể: “Tối 20-2, sau khi uống cà phê với một người bạn trên đường Bến Bình Đông, khi trở về đường Trần Văn Kiểu, lúc qua cầu tôi bị 2 tên nghiện chặn lại xin tiền, trong ví lúc đó còn 74.000 đồng, tôi đưa hết cho chúng. Thế nhưng, chúng vẫn dí kim tiêm vào người tôi để lục túi, thấy không còn tiền chúng mới để tôi đi…”.

Tại khu vực cầu, có rất nhiều kim tiêm, giấy bạc, ống đựng nước cất… bỏ dày đặc.

Tương tự, cầu Vạn Nguyên nối hai phường 16 và 15 (Q8) luôn trong cảnh bị “khóa cổng” từ nhiều năm nay, vì sự chiếm lĩnh của những người nghiện ma túy.

“Người đi bộ ở phường 15 và 16 mỗi khi muốn qua phía bên kia kênh phải đi vòng ở những cây cầu lớn, vì sợ giẫm phải kim tiêm của con nghiện”, bác Tám Bình, ngụ ở Bến Phú Định, bức xúc nói.

Ngoài cầu Bình Tây, Vạn Nguyên còn có rất nhiều cây cầu mà cả trên cầu, chân cầu, gầm cầu,… người dân khi qua lại luôn trong tâm trạng lo sợ bởi các nguy cơ rình rập, có thể kể như gầm cầu Nhị Thiên Đường (khu vực dưới đường Phạm Thế Hiển quận 8), cầu Máy Rượu (nối quận 6 và 8)…

Lẽ nào bó tay?

Tệ nạn người nghiện ma túy sống bám các cây cầu, không phải đến bây giờ mới được dư luận lên tiếng. Thế nhưng, các tệ nạn này vẫn cứ tiếp diễn và ngày càng phức tạp hơn. Phải chăng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa mạnh tay trong việc xử lý?

Cán bộ chức năng ở vài địa phương còn biện bạch “các con nghiện lảng vảng trên cầu, khi có lực lượng chức năng thì các đối tượng này liền lẩn trốn, khi cơ quan chức năng đi thì chúng lại tiếp tục hoạt động”.

Như vậy, chẳng lẽ bó tay? Trong lúc TPHCM đang thực hiện chủ trương “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, để dẹp các tệ nạn trên, thiết nghĩ các phường cần liên kết để đẩy mạnh công tác tuần tra, lập các chốt dân phòng ở ngay chân cầu và xử lý nghiêm đối tượng nghiện ma túy.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục