Cần chiến lược hành động

Cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức cực kỳ to lớn cho  nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển, đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu.
 
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, biến đổi khí hậu khiến nhân loại bị thiệt hại đến 1.200 tỷ USD mỗi năm, tương đương 1,6% GDP toàn cầu. Chẳng thế mà trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Mỹ Obama khẳng định đối phó với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ.

Trên thực tế, năm 2012 ở nước Mỹ, nhiệt độ trung bình tăng cao kỷ lục; hạn hán gây thiệt hại nặng nề (tương đương 1% GDP) cho ngành sản xuất nông nghiệp, trong đó riêng cơn bão Sandy đã “nuốt” mất 0,5% GDP của quốc gia này. Hàng loạt nền kinh tế mạnh khác không khỏi lao đao về những hiện tượng thời tiết cực đoan - hậu quả của biến đổi khí hậu: mưa lớn, tuyết phủ khu vực Trung Đông sau gần một thập kỷ hạn hán, nắng nóng gay gắt ở Australia và băng giá tồi tệ nhất ở Trung Quốc, kéo nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ…
 
Rõ ràng đã đến lúc quá trình phát triển phải đáp ứng được yêu cầu xanh, sạch, thân thiện với môi trường; trong đó có mô hình sản xuất - sử dụng năng lượng hiệu quả, nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương bầu khí quyển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu là rất cấp thiết. Đây là mối quan tâm không của riêng ai. Đã có hơn 100 nước trên thế giới đặt ra những mục tiêu trong lĩnh vực này. Hơn 40 quốc gia đang phát triển có chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Gần đây, Hội nghị R20 (Regions of Climate Action - Khu vực hành động về chống biến đổi khí hậu) đã diễn ra tại Vienna (Áo) với chủ đề “Thực hiện chương trình năng lượng bền vững cho tương lai” trên quy mô địa phương. Điều đáng nói, mặc dù nhiệt độ tại Vienna những ngày diễn ra hội nghị xuống tới -20C nhưng khoảng 1.000 sinh viên vẫn kiên nhẫn đứng đợi ông Arnold Schwarzenegger (diễn viên điện ảnh, cựu Thống đốc bang California - Mỹ, người gốc Áo, nhà sáng lập R20) hàng tiếng đồng hồ để được giao lưu với ông và các nhà khoa học về vấn đề năng lượng cho tương lai. Có thể các bạn trẻ quốc tế đến đây không chỉ vì mối quan tâm đến năng lượng nhưng dẫu sao, những vấn đề môi trường và năng lượng vẫn chứng tỏ sức thu hút to lớn đối với họ.
 
Tại Việt Nam những năm gần đây, mặc dù việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, vật liệu thay thế đã bước đầu được triển khai, nhưng hầu như chưa thu hút được sự chú ý của cộng đồng. Những dự án loại này chỉ đếm được trên đầu ngón tay và hầu hết có quy mô nhỏ: một vài dự án điện gió ở Bình Thuận, Cà Mau; chương trình sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời... Quy mô đáng kể nhất là 5 nhà máy sản xuất cồn ethanol để sản xuất xăng sinh học đã và đang được xây dựng với tổng công suất lên tới gần 500 triệu lít/năm. Xăng E5 (95% xăng + 5% ethanol) đã được tiêu thụ trên thị trường, dù số lượng chưa đáng kể.

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 53/2012/QĐ-TTg về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ ngày 1-12-2014, xăng E5 được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ ngày
1-12-2015, xăng E5 được sử dụng trên toàn quốc…

Xăng E5 mới chỉ là một điểm sáng nhỏ và để trở thành quốc gia sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển năng lượng mới, Việt Nam cần chiến lược rõ ràng và mang tính ràng buộc cao về việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, năng lượng mới. Không còn sớm để làm việc đó!

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục