HLV Park Hang-seo vừa triệu tập gần 50 cầu thủ U22 để bắt đầu tiến trình chọn đội hình cho SEA Games 2021 vốn còn hơn một năm nữa mới diễn ra. Lo lắng của ông không thừa khi chất lượng cầu thủ trẻ hiện có trong tay ông xuống thấp đến mức báo động. Nếu cách đây 3 năm, đội U23 mà HLV Park Hang-seo tiếp nhận từ người tiền nhiệm, có đa số đang chơi bóng ở các đội bóng mạnh nhất V-League thì hiện nay, 60% số cầu thủ U22 đến từ giải hạng nhất. Mới 20 tuổi như Đoàn Văn Hậu, đã thuộc hàng “đàn anh” về trình độ so với những người lớn tuổi hơn.
Bóng đá trẻ Việt Nam sa sút không phải là chuyện bất ngờ. Thứ nhất, hình như đây là yếu tố mang tính “chu kỳ”. Sau một thế hệ cực tốt, thì cũng phải mất một khoảng thời gian, ngắn thì 5 năm, lâu hơn thì 10 năm, mới có một lứa tương đương với điều kiện công tác tuyển sinh diễn ra liên tục. Thứ hai, dù có nhiều chuyển biến về đào tạo trẻ, thành tích đỉnh cao mang tính đột biến, nhưng về bản chất, hoạt động của bóng đá Việt Nam không có quá nhiều sự thay đổi. Số lượng các CLB chuyên nghiệp không tăng, số địa phương phát triển bóng đá không tăng, số doanh nghiệp tài trợ cho đội tuyển quốc gia nhiều nhưng tham gia đầu tư dài hạn vào bóng đá dưới các hình thức CLB thì vô cùng ít ỏi. Như vậy, cho dù phụ huynh có muốn con em mình đi đá bóng nhiều hơn, tức là “đầu vào” có mở rộng đến đâu đi nữa mà “đầu ra” không thay đổi cả chất lẫn lượng thì kết quả cũng khó vượt qua được “chu kỳ” thế hệ.
Đầu tư cho bóng đá trẻ khá phức tạp, nhạy cảm. Mà cũng không riêng gì bóng đá Việt Nam, trên thế giới, các doanh nghiệp đầu tư cho thành tích nhiều hơn là cho khâu đào tạo. Phức tạp ở chỗ, đầu tư là một chuyện nhưng thành công hay không lại không ai nắm chắc. Những nơi chuyên tâm đào tạo thường không có đội bóng thi đấu chuyên nghiệp, nhưng nếu đào tạo ra nhiều cầu thủ nhưng các giải đấu như V-League lâm vào tình trạng khó khăn tài chính thì khó bán cầu thủ đúng giá, thu hồi vốn. Bên cạnh đó, có đào tạo tốt bao nhiêu nhưng để cầu thủ phát triển tài năng, thì lại cần hệ thống thi đấu của bóng đá trẻ nhiều cấp, nhiều trận đấu suốt năm để rèn luyện. Với hệ thống thi đấu hiện nay của bóng đá trẻ Việt Nam, thì cầu thủ đến 19 - 20 tuổi vẫn có rất ít thời gian thi đấu thực tế, quen ngồi ghế dự bị, tài năng bị thui chột. Về lâu dài, điều này tác dụng ngược đến các “lò” đào tạo, thu không đủ chi, chất lượng sẽ kém đi.
Hiện nay, thuyết phục doanh nghiệp đầu tư vào các đội bóng V-League, hạng nhất đã vô cùng khó khăn, đề nghị họ xã hội hóa khâu đào tạo trẻ như VinGroup đang làm thông qua trung tâm PVF là hầu như không thể. Không phủ nhận các lò đào tạo tư nhân luôn sẵn sàng hoạt động, nhưng cái họ đang chờ đợi là cam kết của các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí phải đến từ bộ chủ quản. Họ cần được bảo đảm về thời gian thuê đất mở trường, về số lượng cầu thủ trẻ mà các CLB chuyên nghiệp bắt buộc phải thu nhận hoặc sử dụng trong từng trận đấu cụ thể. Số lượng trận đấu ở các giải trẻ U17, U19 phải tăng lên hàng trăm thay vì chỉ hơn 20 trận đấu/năm như hiện nay. Đấy là chưa kể, những tổ chức chuyên môn như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng phải hỗ trợ lực lượng HLV, chuyên gia có trình độ cao.
Thành công của đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo đã tạo ra một bước ngoặt lớn. Các doanh nghiệp hàng đầu quốc gia sẵn sàng tài trợ, thậm chí không đòi hỏi quyền lợi, khi nhận thấy một triển vọng rất sáng sủa của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế, nhất là giấc mơ World Cup không còn quá xa vời. Không nên để yếu tố chu kỳ mang nhiều may mắn tác động đến sự phát triển ấy. Cách tốt nhất vẫn là thay đổi mạnh mẽ những điều đang cản trở “đầu ra” của hoạt động đào tạo, qua đó tăng lợi ích cho các doanh nghiệp đầu tư ở khâu “đầu vào”, tránh rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “dưới nóng, trên lạnh”.