Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng:
Ngày 21-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN - gọi tắt là Đảng ủy khối) về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như lắng nghe những kiến nghị của các trường.
Trường nào cũng than chuyện đất
Lần đầu tiên Đảng ủy khối được trực tiếp làm việc với đoàn công tác của Thành ủy nên đại diện các trường mạnh dạn nêu nhiều kiến nghị. Trong đó, vấn đề nóng nhất là đất cho giáo dục.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, đã làm ở trường 18 năm và tham gia đi tìm kiếm mua đất cho trường hai lần nhưng không lần nào thành công. “Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi tìm được khu đất hơn 10ha ở quận 7 giá 60 tỷ đồng, nhưng khi trường đề xuất vay vốn để mua đất thì Nhà nước không cho”, PGS-TS Hồng nói.
Trong khi đó, TS Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, khẳng định: “Thành công của gần 2 năm tự chủ là đời sống, thu nhập cán bộ giảng viên cải thiện, nguồn thu tăng, quỹ học bổng và quỹ tích lũy của trường tăng. Tuy nhiên, muốn mở rộng cơ sở vật chất cho đạt chuẩn thì không còn cách nào khác phải có đất. “Nhưng đi mua đất thì Nhà nước không cho vay tiền để mua đất mà chỉ cho vay khi đã có đất. Nếu vẫn giữ cơ chế này thì đến 100 năm trường tôi mới tích lũy đủ để mua được 10ha đất xây trường”, ông Long băn khoăn.
Ông Lê Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng quá trình đi tìm đất xây trường quá gian nan. Năm 2014, trường xuống xã Long Thới (Nhà Bè) có tới 116ha dành cho 10 trường ĐH, CĐ, TC nhưng sau đó giao lại cho một công ty đầu tư cơ sở hạ tầng thì 10 trường rút hết. Năm 2016, qua Ban quản lý Khu Nam chọn 5ha nhưng sau đó giá tăng gấp đôi vượt quá khả năng của trường.
Giải quyết vấn đề trên cho các trường, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Thành phố luôn quan tâm và hỗ trợ, tạo điều kiện để các trường phát triển. Về vấn đề đất, hiện nay, có hai khu quy hoạch đất cho các trường. Tôi đề nghị UBND TP làm quyết liệt và công khai quỹ đất cho các trường nắm rõ. Song song đó, nguồn vốn vay kích cầu cũng cần phải công khai để các trường có nhu cầu thì vay”.
Phải mạnh dạn tự chủ
GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay với mức học phí 300 USD/năm/sinh viên thì các trường rất khó đảm bảo cạnh tranh được chất lượng. Nhưng nếu nâng học phí cao quá thì khó tuyển sinh và hơn nữa sinh viên phần lớn ở các vùng còn khó khăn. Chia sẻ thêm, GS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng cơ chế tiền lương quá bất cập, không thể thu hút được người giỏi. Sinh viên ra trường giữ lại ký hợp đồng làm giảng viên và hưởng lương chỉ có 3 triệu đồng/tháng thì không thể nào đủ sống.
GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng học phí khoảng 300USD/năm để đảm bảo chất lượng đào tạo là rất khó
Trong khi đó, đại diện Trường CĐ Sư phạm Trung ương kiến nghị phải thay đổi chế độ tiền lương cho giáo viên. Nếu không cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên mầm non, tiểu học, phổ thông và cả giảng viên thì Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho dù có 3 hay 4 cơ sở, đạt chuẩn quốc tế cũng không có người giỏi theo học.
Chia sẻ với các trường, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, các trường ĐH phải đẩy mạnh cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy. Thực tế cho thấy kết quả ở nhiều trường khi tự chủ thì tốt hơn. Vậy không có lý do gì chúng ta bao cấp mãi, bao cấp tràn lan được. Dẫn chứng thêm, đồng chí kể có quen đôi vợ chồng trẻ vừa tốt nghiệp ngành nông lâm và làm thuê cho nông trại trồng dưa, mỗi người lương 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu trường trả lương 3 triệu đồng/tháng thì làm sao thu hút được người giỏi ở lại trường. Do đó, các trường phải mạnh dạn tự chủ. Ngoài ra, sự tự chủ của các trường cũng giúp nâng cao được chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, cạnh tranh được với quốc tế. Nếu trường nào xin tự chủ mà khó khăn thì TP sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để giải quyết.
Đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh: Cùng với việc tự chủ nâng cao chất lượng và tăng cường hội nhập thì các trường phải đặc biệt quan tâm vai trò lãnh đạo của Đảng, quan tâm đến giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên.
Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ và TCCN có 37 cơ sở Đảng trực thuộc với 5.232 đảng viên (trong đó đảng viên là sinh viên có 1.805). GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, Bí thư Đảng ủy khối, đề nghị TPHCM “đặt hàng” đề tài nghiên cứu cho các trường nhằm thực hiện 7 chương trình đột phá của TP, các trường sẽ chủ động đề xuất đề tài nghiên cứu với UBND TP thông qua Sở KH-CN. Khối trường ĐH, CĐ và TCCN cũng muốn TPHCM có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với các trường được giao thí điểm tự chủ. |
THANH HÙNG