Cần đảm bảo đi vào thực tế

Thời gian gần đây, sau chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo các ban ngành như: Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… liên tục “đăng đàn” cam kết nhanh chóng cắt giảm thủ tục hành chính trong ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ. Trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng xung quanh vấn đề đang được cộng đồng DN quan tâm này, ông Nguyễn Việt Khoa-Giám đốc Trung tâm tư vấn, Bồi dưỡng Pháp luật kinh doanh Trường Đại học kinh tế TPHCM cho biết:
Cần đảm bảo đi vào thực tế

Tháo gỡ chính sách thuế cho doanh nghiệp

Thời gian gần đây, sau chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo các ban ngành như: Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan… liên tục “đăng đàn” cam kết nhanh chóng cắt giảm thủ tục hành chính trong ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ. Trao đổi với Báo Sài Gòn Giải Phóng xung quanh vấn đề đang được cộng đồng DN quan tâm này, ông Nguyễn Việt Khoa-Giám đốc Trung tâm tư vấn, Bồi dưỡng Pháp luật kinh doanh Trường Đại học kinh tế TPHCM cho biết:

Trong bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn và có những diễn biến khó lường như hiện nay, các đối tượng DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động đang dễ bị tác động nhiều nhất. Chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, nhiều DN trong nước đang đứng trên bờ vực phá sản, trong khi giá cả đầu vào, lãi suất, tiền lương, các loại thuế tăng cao và cần được hỗ trợ để họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại diện doanh nghiệp khai thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

- PV: Ngoài yếu tố khách quan do chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm của tình hình kinh tế thế giới, còn rào cản nào khiến việc sản xuất kinh doanh của các DN vẫn chậm vực dậy việc sản xuất kinh doanh, thưa ông?

>> Ông NGUYỄN VIỆT KHOA: Nguyên nhân của vấn đề trên đã được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, do thời gian hoàn thành các thủ tục của DN Việt Nam nhiều hơn so với nước khác, đặc biệt là các thủ tục về thuế và hải quan. Điều này không chỉ tổn hại đến thời gian của DN mà còn gây thiệt hại và thất thoát ngân sách của nhà nước. Do đó, với giai đoạn này, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, nó không chỉ giúp cho DN có niềm tin về kinh doanh, thoát khỏi những vòng xoáy về thuế, giảm số lượng DN tạm ngưng hoạt động, giải thể, phá sản của DN mà còn tạo một bước thay đổi chính sách lớn, giúp Việt Nam phát triển ở một vị thế mới.

Thay đổi chính sách về thuế là một chủ trương lớn của nhà nước với mục đích là tháo gỡ khó khăn của DN cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng bậc xếp hạng về môi trường kinh doanh theo đánh giá của ngân hàng thế giới nhằm thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thay đổi chủ trương là điều đáng mừng, nhưng có thực hiện được chủ trương trên thực tế hay không là việc thật sự không dễ dàng. Và muốn thực hiện được điều này, các cơ quan nhà nước phải có những giải pháp cụ thể cho chủ trương này được bảo đảm thực thi trên thực tế.

- Lâu nay, việc chính sách ban hành một đằng nhưng công tác triển khai một nẻo đã gây khó, làm giảm lòng tin của DN và các nhà đầu tư. Vậy theo ông, trong thời gian tới, công tác triển khai các chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực thuế cần thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả? 

Để cải tiến thủ tục về thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cấp thiết phải có ngay một số giải pháp để giải quyết chính sách thuế kịp thời cho DN. Thứ nhất, Bộ Tài chính phải nhận trách nhiệm thủ tục hành chính thuế, hải quan trong thời gian vừa qua là rào cản cho các DN và các nhà đầu tư, xem đó là một bài học cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và quyết tâm cải thiện một cách mạnh mẽ ngành, đơn vị mình phụ trách. Đồng thời, phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục về thuế để sau năm 2015, thời gian làm thủ tục thuế và hải quan của Việt Nam phải bằng với các nước ASEAN-6.

Thứ hai, cơ quan nhà nước cũng nên áp dụng các thiết chế rõ ràng, cụ thể trong việc miễn giảm thuế, điều này không chỉ tăng sự thu hút đầu tư trong nước mà còn đóng góp cho ngân sách nhà nước một khoản tiền lớn.

Thứ ba, Bộ Tài chính cũng cần có những động thái tích cực trong việc đơn giản hóa hàng chục biểu mẫu, tờ khai, nội dung của tờ khai các loại thuế, giúp DN có thể tiết kiệm được một lượng lớn về thời gian và công sức.

Thứ tư, nên chăng Chính phủ cần lập một Ủy ban giám sát về hoạt động về thuế và hải quan liên ngành hoặc chính Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Điều này sẽ hạn chế những trình tự, thủ tục rườm rà cũng như tiết kiệm chi phí và thời gian cho các DN phải đi qua nhiều cửa để nộp thuế.

Thứ năm, văn hóa cán bộ, công chức hoạt động trong các cơ quan thuế cũng là điều cần được cải thiết để người dân không còn tư duy các thủ tục hành chính là những thủ tục mang nặng tính “hành là chính”. Việc người dân phàn nàn về cách thức làm việc của cán bộ các bộ này đã diễn ra từ nhiều năm trước. Ngoài những kiến nghị về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN nêu trên, giải pháp để giải quyết điều này là việc áp dụng việc thủ tục nộp thuế qua mạng.

Thực tế hiện nay cho thấy, đã đến lúc, các chủ trương một khi đã ban hành cần được thực hiện nghiêm trên thực tế. Điều mà DN cần nhất lúc này không phải là những chính sách tháo gỡ khó khăn tạm thời, mà phải tháo gỡ căn bản những cơ chế, chính sách, quy định đang khiến DN gặp rất nhiều khó khăn do phải thực hiện quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê khi thực hiện thủ tục hành chính thuế. Để đạt được điều này các cơ quan nhà nước cần có một góc nhìn khác về việc cải cách các chính sách về thuế cho DN một cách triệt để và đảm bảo thực thi trên thực tế.

LẠC PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục