Cần “đổi mới 2” để tạo động lực phát triển mới

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu muốn sau 10 năm nữa thu nhập bình quân đầu người ở nước ta tăng gấp đôi thì tăng trưởng kinh tế phải là khoảng 7,5% liên tục trong 10 năm. Mục tiêu này có khả năng đạt được nếu tập trung thực hiện hiệu quả một số trụ cột trọng tâm như: nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, hình thành những cứ điểm công - nông nghiệp; khai thác lợi thế kinh tế ven biển; phát triển công nghiệp - du lịch; phát triển kinh tế đô thị... Mà để thực hiện các trụ cột này thì cần phải cải cách thể chế, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm gắn với đổi mới sáng tạo, gắn với Chính phủ số.

Tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045” diễn ra vừa qua ở Hà Nội, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần thêm một công cuộc đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao. 

Kể từ khi công cuộc đổi mới được bắt đầu từ 1986, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nền kinh tế đã tăng trưởng ở mức trung bình gần 7%; thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần. Nhưng hành trình để Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao hiện chỉ mới bắt đầu. Do đó, cần điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2019 vào chiều 4-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Thủ tướng, “đổi mới 1” đã đưa Việt Nam đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua. Nhưng các động lực cho nền kinh tế đã bị giới hạn và chúng ta cần có “đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới. Nước ta có lợi thế rất lớn về ổn định chính trị - xã hội. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, thuận lợi, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ năm nay mà cả năm 2020. Nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ này thì chúng ta thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh ta, chưa nói đến việc thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đang diễn ra.

Từ quan điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần tập trung cao độ cho công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế lên một tầm cao mới, có như thế thì mới có thể cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên, thu hẹp khoảng cách, bắt kịp những bước đi trước trong khu vực và trên thế giới, chủ động đón các tập đoàn công nghệ muốn dịch chuyển vào Việt Nam. Và cũng chỉ có như thế, chúng ta mới xác định được các động lực tăng trưởng và việc cải cách thực sự trong những thập kỷ tới sẽ thúc đẩy tiềm năng của Việt Nam, mở rộng giới hạn phát triển của đất nước.

Những thành tựu mà nước ta đạt được hôm nay là kết quả từ công cuộc đổi mới từ năm 1986. Giờ đây, chúng ta cần thêm một cuộc đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Không gì khác, một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức Chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân, đó sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược mà chúng ta đặt ra. Và để thực hiện được thể chế đổi mới, yếu tố con người là tiên quyết, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ công chức, viên chức và bộ máy quản lý.

Tin cùng chuyên mục