Từ xưa tới nay, văn học là một khái niệm mở. Các quan niệm về văn học dù nặng, nhẹ khác nhau nhưng đều có chung một nhận thức về chuẩn giá trị của văn học. Giá trị của văn học là sự bổ ích cho đời sống. Không có ích lợi gì cho đời sống, văn học không thể tồn tại. Giá trị lợi ích của văn học mang tới cho xã hội là vấn đề cốt yếu để phê bình làm sáng tỏ và gợi mở cho những giá trị tiếp theo. Nói rõ hơn, phê bình văn học giúp người đọc hiểu biết nhiều hơn về giá trị văn học. Giá trị văn học nằm ở những chức năng cơ bản của văn học. Dù muốn hay không, văn học đều phải có chức năng thông tin về đời sống để định vị, định hướng về cái đẹp, cái tiến bộ, cảnh báo về cái xấu xa, tội lỗi; chức năng giải trí thư giãn và chức năng sáng tạo ngôn ngữ.
Cụ thể hơn, người đọc cần gì ở phê bình?
Điều đầu tiên và cũng là điều cơ bản nhất là phê bình phải công tâm vô tư vì lợi ích của người đọc của xã hội. Nếu phê bình dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích người tiêu dùng (người đọc) việc phê bình đảm bảo được chuẩn mực về nhận thức về sự công tâm, công bằng, hợp lý hợp tình.
Ở một góc độ nào đó, tác phẩm văn học cũng là một dạng hàng hóa. Hàng hóa nào đưa ra thị trường cũng phải đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, lợi ích xã hội và lợi ích quốc gia. Với tác phẩm văn học, ba lợi ích trên là một thể thống nhất không thể tách rời. Không thể vì lợi ích người đọc mà loại bỏ lợi ích quốc gia. Cũng không thể vì lợi ích quốc gia mà loại trừ lợi ích người đọc. Có công tâm vô tư, phê bình mới tránh được tình trạng suy diễn dễ dãi, nhận định một cách cực đoan, quy chụp một cách thiếu trách nhiệm.
Vấn đề thứ hai mang tính chất quyết định cho chất lượng của phê bình là năng lực phát hiện. Người đọc quan tâm nhiều nhất ở phê bình là sự phát hiện cái hay, cái dở. Có cái hay, cái dở, rõ ràng ai cũng nhận ra, nhưng cũng có cái hay, cái dở nằm ở chiều sâu của tác phẩm. Một tác phẩm văn học giống như núi băng, có phần nổi, phần chìm. Bản lĩnh tài năng của phê bình là lượng hóa được thể tích của phần nổi và phần chìm của núi băng đó. Đồng thời giải mã được những tố chất tạo nên núi băng, hướng di chuyển của núi băng. Chưa bao giờ người đọc coi tác phẩm phê bình là một công trình khoa học về ngôn ngữ, về khoa học xã hội – nhân văn. Nhưng bạn đọc luôn đòi hỏi phê bình phải có tính khoa học. Mọi lý lẽ, dẫn chứng trong phê bình phải hết sức khoa học, không thể tùy tiện theo cảm tính. Có thể coi phê bình là một công trình khoa học văn chương. Sự thành công của phê bình tùy thuộc vào sự phát hiện và giải mã, định hình, định lượng những cái mới trong đối tượng phê bình.
Vấn đề thứ ba người đọc mong muốn ở tác phẩm phê bình là “cái duyên”, cái bản sắc cá nhân của nhà phê bình. Ở góc độ nào đó, cái duyên của phê bình cũng giống như cái duyên của bình luận bóng đá. Người đọc thấy được tình cảm, sự say mê chân thật, vốn kiến thức chuyên ngành, vốn kiến thức xã hội và vốn từ ngữ hết sức phong phú, đa dạng. Văn học không phải là thứ sản phẩm giả dối hay thô thiển. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của tác giả, phải nhiều vất vả, lắm gian truân mới có được. Sản phẩm ấy trước hết phải được đón nhận một cách trân trọng. Cái duyên của phê bình thể hiện ở sự tiếp cận chân thật và cách lý giải chân tình. Phê bình không phải là loại hình tâm sự, nhưng tố chất tâm sự sẽ góp phần tạo nên sức thuyết phục. Suy cho đến cùng, tác phẩm phê bình hay hoặc dở tùy thuộc vào sức thuyết phục. Thuyết phục người đọc về cái hay, cái dở, không chỉ ở tấm lòng chân thật, ở lý lẽ mà còn ở cái duyên câu chữ trong cách trình bày. Văn học có chức năng sáng tạo ngôn ngữ. Phê bình cũng cần có chức năng này. Sử dụng ngôn ngữ điêu luyện có sáng tạo là một thể hiện rõ nhất của tài năng và đẳng cấp phê bình.
Văn học cũng như phê bình văn học muốn thuyết phục người đọc đương nhiên phải có sức hấp dẫn cao, hấp dẫn tích cực.
TRẦN VĂN TUẤN