Cần giảm gánh nặng thuế lên người nghèo, bịt lỗ hổng thuế với người giàu

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam, cho hay bất bình đẳng ở Việt Nam phức tạp vì đã và đang diễn ra dưới rất nhiều dạng, không theo quy luật nào.

Việt Nam đang nằm trong số 10 nước trên thế giới có khoảng cách giàu nghèo và số người siêu giàu tăng nhanh nhất. Điều này chứng tỏ tài sản ngày càng tích tụ vào một số rất ít người trong xã hội. 

 PHÓNG VIÊN: GDP cả nước tăng đều khoảng 6% - 7% mỗi năm. “Miếng bánh” chung cho khoảng 94 triệu người dân  tăng như vậy hàng năm, vậy “miếng bánh” cho từng gia đình, từng người được gia tăng như thế nào, có đều không?

Bà BABETH NGOC HAN LEFUR: Việt Nam có tăng trưởng cao (tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,4% trong thập niên 2000) nhưng chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề. Mức tăng trưởng có xu hướng làm lợi cho người giàu, với thu nhập từ nông nghiệp và sản xuất công nghiệp chỉ tăng đối với nhóm từ 10% tới 20% giàu nhất. Phân bố lợi ích của tăng trưởng kinh tế có xu hướng bất bình đẳng hơn trong những năm gần đây. Phân bố thu nhập ngày càng phân cực theo thời gian. Các nhóm nghèo nhất đang không được hưởng lợi như các nhóm khác. 

Trong khi đó, ở một cực khác của đường phân bố tài sản, khoảng một phần triệu dân số Việt Nam được coi là “siêu giàu” - tài sản trị giá trên 30 triệu USD. Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất trong 10 năm. Tài sản của người này có thể giúp tất cả người nghèo ở Việt Nam thoát nghèo.

Mong bà phân tích kỹ hơn về “gánh nặng thuế” lên nhóm thu nhập thấp hơn và lỗ hổng “bỏ lỡ cơ hội đánh thuế” lên nhóm có khả năng chi trả cao nhất? Cách khai thác được tiềm năng thu thuế ở nhóm có khả năng chi trả cao nhất? 

 Việt Nam đang đặt gánh nặng thuế lên nhóm thu nhập thấp hơn, trong khi bỏ lỡ cơ hội đánh thuế những chủ thể có khả năng chi trả cao nhất. Về cơ cấu thu thuế, Việt Nam dựa chủ yếu vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và VAT; trong đó VAT chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 28%). Từ năm 2009 đến nay, tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 28% xuống 20%.  Trong khi đó tỷ lệ thu thuế VAT theo GDP tăng gần gấp đôi, từ 4,02% lên 7,98% (giai đoạn 2001-2010). Hệ thống thuế của Việt Nam có xu hướng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thuế gián thu như VAT. Trong khi tăng thuế VAT thường tạo gánh nặng lớn nhất (theo tỷ lệ tương ứng) cho người nghèo, vì người nghèo thường phải chi tiêu phần lớn hoặc toàn bộ thu nhập kiếm được mà không thể đầu tư như người giàu. Mặc dù có thu nhập kém hơn, nhưng với cùng một loại hàng hóa, người nghèo phải trả VAT ngang như người giàu; do mức thuế VAT không tính đến khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Trong khi đó, còn rất nhiều lỗ hổng trong việc đánh thuế những chủ thể có khả năng chi trả cao nhất (như các doanh nghiệp và người có thu nhập cao). Hiện nay, hành vi trốn và lách thuế đang diễn ra rất nghiêm trọng. Các ưu đãi thuế hào phóng cũng đồng nghĩa với chi phí cơ hội lớn trong việc mất đi một nguồn thu. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam bị thất thoát khoảng 100 tỷ USD tiền thuế mỗi năm do hành vi chuyển giá và chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. 

Tình hình này đòi hỏi trong thời gian tới Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để chống thất thoát thuế, bao gồm xây dựng một hệ thống thuế lũy tiến; cắt giảm ưu đãi thuế tràn lan cho doanh nghiệp, có các biện pháp nhằm giảm tình trạng trốn và tránh thuế. Trước mắt, Việt Nam cần xây dựng ngay những quy định về minh bạch thông tin, đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia (như yêu cầu các công ty đa quốc gia và chi nhánh công ty đa quốc gia có trụ sở tại Việt Nam công bố báo cáo lợi nhuận liên quốc gia ra công chúng). Đồng thời, yêu cầu các công ty đa quốc gia nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trực tiếp cho cơ quan thuế trong trường hợp cơ quan thuế nước này không thể thu thập được thông tin, theo cơ chế trao đổi thông tin tự động. 

Giữa giảm nghèo và giảm khoảng cách giàu nghèo, theo bà, việc nào quan trọng hơn? Vì sao? 

 Trong thập niên qua đã có khoảng cách lớn giữa nhóm 80% có thu nhập thấp nhất và nhóm 20% có thu nhập cao nhất, khoảng cách này ngày càng rộng ra. Hơn nữa, tốc độ dịch chuyển thu nhập của những người nghèo đang chậm lại: giai đoạn 2004-2008, có 45% hộ thuộc nhóm ngũ phân vị nghèo nhất của năm 2004 đã vươn lên các nhóm ngũ phân vị cao hơn sau 4 năm, nhưng từ năm 2010 đến 2014, tỷ lệ này chỉ là 37%. Để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện sớm các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền lao động và thúc đẩy sự tham gia của người dân. Giảm nghèo và giảm bất bình đẳng cần tiến hành song song, tương hỗ nhau. Tỷ lệ nghèo có thể đã giảm nhanh hơn nữa nếu vấn đề bình đẳng được chú trọng hơn.

Tin cùng chuyên mục