Viện Kinh tế Trung ương vừa công bố cho biết, ngành công nghiệp chế biến đang phát triển đến giới hạn và đang sụt giảm. Bởi gia công vẫn là loại hình sản xuất chính tại nước ta và đây cũng chính là loại hình có giá trị gia tăng thấp nhất trong hệ thống chuỗi sản phẩm và không có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.
Trên thực tế, hiện rất ít số lượng doanh nghiệp nội có thể tham gia vào những loại hình sản xuất có giá trị gia tăng cao như ý tưởng, thiết kế, marketing, thương hiệu, công nghiệp hỗ trợ…
Về lĩnh vực nông nghiệp đang có xu hướng đi xuống vì cách thức sản xuất hộ cá thể không còn phù hợp, đòi hỏi sự tích tụ nhiều hơn nhưng đang vướng thể chế đất đai. Những hoạt động cần thiết cho chuyển đổi loại hình, quy mô chăn nuôi, trồng trọt chưa thực sự hiệu quả. Nếu không thay đổi rất khó thay đổi phương thức phát triển nông nghiệp. Chưa hết, ngành công nghiệp khai khoáng cũng đang gặp khó khăn khi giá dầu trên thế giới liên tục giảm. Điều đáng nói, đà sụt giảm này chưa thấy điểm dừng. Do vậy, trong trường hợp giá dầu tiếp tục giảm xuống còn trên dưới 40USD/thùng thì chi phí khai thác sẽ lớn hơn chi phí bán ra, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách hiện tại.
Một yếu tố quan trọng khác trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế đó là ngành công nghiệp hỗ trợ. Cho đến thời điểm hiện nay, dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành này nhưng vẫn còn rất ít doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhưng sản phẩm hỗ trợ không do doanh nghiệp nội cung ứng mà vẫn phải là doanh nghiệp có sẵn trong hệ thống chuỗi cung ứng trước đó.
Xét trên những cơ sở trên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, sự phục hồi kinh tế với mức tăng trưởng 6,8% là rất tốt nhưng nhìn tổng thể cơ cấu phát triển cho thấy vẫn còn tồn tại những vấn đề bất ổn. Hiện thâm hụt cán cân thương mại đang quay trở lại. Ngân sách nhà nước là điều đáng lo ngại vì vấn đề xử lý hiện chưa thực sự hiệu quả. Tốc độ tăng thu ngân sách thấp hơn tốc độc tăng chi. Đặc biệt, tốc độ tăng chi thường xuyên lớn hơn tăng chi đầu tư. Chi thường xuyên ngày càng tăng, chi đầu tư ngày càng giảm dẫn đến thâm hụt ngân sách gia tăng nhanh chóng, nợ công tăng nhanh, nhất là trong những năm gần đây… Chưa kể, mức độ tăng trưởng còn có thể đảo ngược nếu có yếu tố tác động từ bên ngoài. Điểm sáng duy nhất của nền kinh tế trong thời gian qua chính là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản… Do vậy, để có thể tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại trong thời gian tới, nhất thiết Chính phủ cần phải cải cách mạnh về cơ chế và môi trường đầu tư. Đặc biệt là phải có chính sách hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tài chính để cải thiện hoạt động sản xuất của mình.
MINH XUÂN