(SGGPO).- Cần có sự giám sát nghiêm ngặt đối với vốn ODA, tăng đầu tư để phát triển kinh tế đạt mục tiêu… là những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 30-10 về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, sau 20 năm, Việt Nam đã nhận được nguồn viện trợ ODA khoảng 78 tỷ USD. Nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả tích cực từ nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn này cũng đã bộc lộ những hạn chế, thất thoát, tham nhũng ảnh hưởng uy tín của Việt Nam như vụ PMU 18, Huỳnh Ngọc Sỹ (vụ bê bối nhận hối lộ tại dự án Đại lộ Đông - Tây), JTC (vụ Công ty JTC (Nhật Bản) đưa hối lộ quan chức Việt Nam liên quan đến dự án đường sắt đô thị trên cao)…
Dù có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát nhưng những bê bối chỉ phát hiện từ phía nước ngoài. Bất cập này xuất phát từ việc các nguồn vốn liên quan đến ODA chỉ được điều chỉnh bởi Nghị định 38 của Chính phủ cùng các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành, quy định của nhà tài trợ. Sự phân tán, giải trình chỉ mang tính nguyên tắc, chưa hạn chế được cơ chế "xin, cho", cò dự án. Các quy định hiện hành cũng đã bộc lộ điểm yếu. Đó là Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm về nợ công và người dân - chủ thể đóng thuế và người trả nợ cuối cùng - gần như đứng ngoài.
Vốn ODA là một phần của đầu tư công, nợ công nhưng những năm qua, công tác giám sát chưa được Quốc hội coi trọng, dẫn đến nhiều vụ việc gây tiêu cực chấn động dư luận. Sau khi xảy ra vụ PMU 18, một số kiến nghị đã được đưa ra nhưng chưa được tiếp thu. Trong cách sử dụng vốn ODA cũng bộc lộ không ít vấn đề như đầu tư dàn trải, bao trùm hầu hết các lĩnh vực, không mang tính đầu tàu.
Việt Nam đã gia nhập các nước có thu nhập trung bình nên vốn vay ưu đãi sẽ ít đi, lãi suất vay sẽ cao lên. Thực tế sử dụng cũng cho thấy vay vốn rẻ nhưng đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.
ĐB Lê Thị Nga bày tỏ lo ngại cách suy nghĩ về ODA tại nhiều nơi như chính phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Đó là, một bộ phận công chức, lãnh đạo địa phương hiểu một cách sai lệch rằng ODA là viện trợ không hoàn lại, là cho không. Đây là nhận thức vô cùng nguy hiểm. Nay vay ODA thì ngày mai con, cháu chúng ta phải trả, cộng lại lãi suất là rất lớn.
ĐB Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lã Anh
Từ những hạn chế trên, ĐB Lê Thị Nga cho rằng, Việt Nam cần có ý thức “tốt nghiệp ODA” bởi lệ thuộc vào dòng vốn này được xem là thất bại của chiến lược phát triển. Như Hàn Quốc đã dừng nhận ODA sau 20 năm và “tốt nghiệp” sau 30 năm. Có ý thức này thì mới sử dụng và quản lý hiệu quả ODA. ĐB Lê Thị Nga cũng đề nghị, Quốc hội cần có giám sát tối cao và nghiêm ngặt nguồn vốn này; tăng kiểm soát chống lãng phí, thất thoát; và có lộ trình chấm dứt vay ODA trong tương lai gần.
Cũng chia sẻ vấn đề trên, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng các dự án vay vốn ODA cần hết sức cẩn trọng vì sẽ làm tăng nợ công. Mặt khác, chúng ta cũng cần hạn chế nợ công phát sinh, trong đó có vay ODA để chi thường xuyên. “Tôi biết có dự án hàng trăm triệu USD như vậy. Các dự án vay như thế phải có ý kiến Quốc hội, nếu không, mỗi nơi góp một ít thì nợ công sẽ tăng lên”, ĐB Nguyễn Văn Tiên nói.
Liên quan đến việc giải pháp để kinh tế phục hồi phát triển, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đều cho rằng, việc nền kinh tế đang phục hồi là có cơ sở khi tăng trưởng GDP cao dần từ 2012 đến nay.
Đồng ý với mục tiêu GDP 2015 tăng 6,2%, lạm phát 5%, song các ĐB đều cho rằng, tổng mức đầu tư toàn xã hội chỉ là 30% là thấp và phải nâng lên 32% GDP để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng. Do vậy, Chính phủ cần có các giải pháp để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển từ trong nước, nước ngoài bởi các nguồn lực này hoàn toàn có thể khai thác được. Bên cạnh đó, các ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay trung dài hạn để đầu tư, tăng sản xuất trong nước, giảm độ mở nền kinh tế để tránh tổn thương…
ĐB Nguyễn Văn Tiên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lã Anh
| |
HÀ MY