Cần hỗ trợ hợp tác xã và người dân trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã gợi ý các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực để giúp Hợp tác xã ngày càng mạnh lên. Trong đó, cần phải thông suốt hai chữ “hợp tác” là bao hàm tinh thần hợp tác, niềm tin trong hợp tác.

Ngày 7-4, tại Hậu Giang, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị Định hướng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) bền vững vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Tham dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL.

Hội nghị Định hướng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL

Hội nghị Định hướng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã gợi ý các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực để giúp hợp tác xã (HTX) ngày càng mạnh lên. Trong đó, cần phải thông suốt hai chữ “hợp tác” là bao hàm tinh thần hợp tác, niềm tin trong hợp tác.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tính đến hết năm 2022, vùng ĐBSCL có 2.615 HTXNN và 20 Liên hiệp HTXNN, chiếm 13,4% tổng số HTXNN toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTXNN cả vùng tăng hơn gấp 2 lần (năm 2016 là 1.251 HTXNN).

Trung bình mỗi tỉnh vùng ĐBSCL có 194 HTX. Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL có từ 100 đến 200 HTX.

HTX Trái cây sinh học OCOP là một trong những HTX của tỉnh Hậu Giang xuất khẩu trái cây sang thị trường EU

HTX Trái cây sinh học OCOP là một trong những HTX của tỉnh Hậu Giang xuất khẩu trái cây sang thị trường EU

Các HTXNN của ĐBSCL tập trung nhiều ở 2 lĩnh vực là: trồng trọt (lúa, cây ăn quả) có 1.266 HTX, chiếm 52% tổng số HTXNN của vùng; nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) có 327 HTX, chiếm 13,5 tổng số HTXNN của vùng.

Các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, khai thác thủy sản, cung cấp nước sạch nông thôn chiếm tỷ lệ thấp.

Tổng số vốn, tài sản của HTXNN là 2.079 tỷ đồng, trung bình một HTXNN chỉ có tổng số vốn, tài sản là 855 triệu đồng. Doanh thu bình quân 1 năm của HTXNN đạt 1,3 tỷ đồng; tổng số thành viên HTX là 183.077 người; trung bình 75 thành viên/HTXNN.

Hiện ĐBSCL có 2.083 HTXNN hoạt động hiệu quả, chiếm 82,8% tổng số HTXNN cả vùng; có 343 HTXNN ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất NN, chiếm 14,1% tổng số HTXNN cả vùng; có nhiều mô hình điển hình các HTXNN thành công trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL đã trở nên khá phổ biến.

Sản phẩm Gạo sạch Vị Thuỷ của HTX Tân Long (Hậu Giang) hiện đang được ưa chuộng trên thị trường

Sản phẩm Gạo sạch Vị Thuỷ của HTX Tân Long (Hậu Giang) hiện đang được ưa chuộng trên thị trường

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế của HTXNN vùng ĐBSCL như: các HTXNN trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản; hạn chế về trình độ cán bộ HTX; thiếu cán bộ kỹ thuật.

Do thành viên HTX cũng khó khăn về nguồn vốn nên HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất bền vững (GAP). Kết quả là tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình GAP và mô hình sản xuất thông minh với biến đổi khí hậu còn thấp, quy mô ứng dụng công nghệ cao của HTX còn nhỏ. Số mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến; áp dụng quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng trong sản xuất mới được khoảng 13% HTX cả vùng.

Đối với ĐBSCL, trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, cần hỗ trợ hiệu quả HTXNN và người dân trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư ở vùng ĐBSCL; hoàn thiện và nhân rộng các mô hình HTXNN hoạt động hiệu quả phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cần thực hiện đầy đủ: tư vấn, hỗ trợ các HTX ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các HTX…

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX theo Nghị quyết số 20-NQ/TW và các văn bản pháp luật có liên quan kết hợp với việc lựa chọn các mô hình HTX điển hình tiên tiến và các mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; khuyến khích tham gia vào HTX, liên kết với HTX theo chuỗi giá trị.

Tin cùng chuyên mục