Thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa nước ta tạo ra 62% công ăn, việc làm cho người lao động, tương đương khoảng 8,4 triệu lao động có việc làm. Số DN này được đánh giá là động lực phát triển của nền kinh tế quốc gia, nhưng lại chưa được quan tâm đến nơi đến chốn. Thậm chí, không ít DN phải cậy nhờ đến tín dụng đen để giải quyết hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
Vừa qua, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (vốn điều lệ khoảng 2.000 tỷ đồng) chính thức giới thiệu chương trình hỗ trợ tài chính cho DN nhỏ và vừa là những cơ sở đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Mục đích của quỹ nhằm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng hỗ trợ đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị… Mức lãi suất ưu đãi là 5,5% đối với khoản vay ngắn hạn và 7% đối với khoản vay trung và dài hạn. Đây được xem là tín hiệu vui, mở ra nhiều hy vọng, cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh cho DN nhỏ và vừa. Đối tượng hưởng ưu đãi được chia thành 3 cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm theo Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ. SMEDF ưu tiên cho vay đối với DN có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh thuộc một trong các ngành kinh tế được phân loại theo hệ thống kinh tế Việt Nam, như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải… Ngân hàng nhận ủy thác phần vốn vay hỗ trợ từ SMEDF chỉ được yêu cầu tài sản bảo đảm đối với DN tối đa bằng 100% mức hỗ trợ của quỹ. Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và Sáng tạo TPHCM (HSIF) với số vốn trên 100 tỷ đồng, cũng đã và đang hỗ trợ cho hàng loạt DN chủ lực, mũi nhọn của thành phố. Thêm nữa, chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) của dự án hợp tác Đan Mạch - Việt Nam về chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam cũng đang “chào hàng” hỗ trợ DN.
Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây các DN này hoạt động khá hiệu quả. Tuy vậy, DN đang khát vốn trong bối cảnh ngân hàng không thiếu vốn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bất cập này được ông Tô Hoài Nam lý giải: DN chưa đáp ứng được các điều kiện chuẩn của ngân hàng như năng lực tài chính, tính khả thi của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh… Theo đó, nếu không chứng minh được ngân hàng sẽ không rót vốn. Thêm nữa, đối với các quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời nhằm làm cầu nối giữa ngân hàng với DN không có tài sản thế chấp lại không phát huy hiệu quả vì ngân hàng chưa tin tưởng vào quỹ tín dụng này. Điều này dẫn tới tình trạng hai bên (ngân hàng - DN) chỉ đứng nhìn nhau chứ chưa thể gặp nhau. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khoảng 30% DN không thể tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng; 30% DN cho biết rất khó tiếp cận vốn. Do vậy, đã có những DN tìm đến tín dụng đen làm cứu cánh cho hoạt động của DN.
Có thể thấy rằng, các quỹ hỗ trợ DN nêu trên đã và đang mang lại nhiều cơ hội, mở ra hy vọng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để cải thiện hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nhiều DN lo ngại khả năng tiếp cận vốn gặp nhiều rào cản, chẳng hạn như ngân hàng yêu cầu DN: có lịch sử quan hệ tín dụng tốt, không có nợ xấu tại ngân hàng do quỹ hỗ trợ tài chính ủy thác; DN xếp loại A trở lên đối với trường hợp đủ điều kiện xếp hạng tại hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng được ủy thác… Một số DN đã nhận xét vui, quỹ đưa ra hạn mức hỗ trợ, lãi suất hỗ trợ khá ưu đãi, nhưng triển khai theo kiểu “dùng mồi câu cá linh để dụ cá lăng”. Vốn là linh hồn để giải quyết mọi vấn đề, nhưng để tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng DN khá “rối”. DN mong rằng chiếc vòng kim cô làm cản bước tiến của DN (rào cản, chính sách…) sớm được tháo bỏ trong thời gian tới để DN đủ lực, đủ tầm vươn lên.
THI HỒNG