Điều này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra trong hội nghị: liên kết, phối hợp giữa các cơ quan còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, hiệu quả, cơ chế chỉ huy vùng đã có - tức quy hoạch chiến lược vùng, nhưng chưa rõ vị trí, tầm vóc của một “nhạc trưởng”.
Người đứng đầu Chính phủ đã đặt câu hỏi: Dư địa phát triển của khu vực này còn nhiều nhưng tại sao chưa phát triển được. Và Thủ tướng chỉ ra, do thiếu quy hoạch hiện đại, thiếu liên kết, phối hợp.
Đáng lo, trong 10 năm trở lại đây, đầu tàu TPHCM đã suy giảm sức tăng trưởng, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng chung của toàn vùng. Những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã được nhận diện rõ, nhưng giải pháp đồng bộ cho sự phục hồi, cất cánh TPHCM trong sự kết nối vùng vẫn chưa được thúc đẩy, nếu không muốn nói là giậm chân tại chỗ, hoặc có dấu hiệu thụt lùi.
Nếu TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung, đặt trong trọng trách “kinh tế trọng điểm phía Nam”, không được tập trung đầu tư cơ chế phát triển vùng, không quyết liệt làm rõ vị trí “nhạc trưởng” và chức năng hoạt động liên kết có trách nhiệm, không tháo gỡ những tắc nghẽn cơ chế, những cú “kìm chân” do thụ động, sợ trách nhiệm thì chẳng những không níu kịp đà tăng trưởng chung mà còn kéo theo sự tụt hậu về “vùng trũng”.
Do đó, bước qua cột mốc 10 năm Kết luận số 27 của Bộ Chính trị, 17 năm Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ cấp thẩm quyền Trung ương, cần có một nghị quyết mới (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM) để phát triển bền vững cho thành phố đầu tàu, với vai trò “nhạc trưởng”.
Để phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM cần các giải pháp về cơ chế với một chính sách đặc thù. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm: Nhóm cơ chế/chính sách đề xuất liên quan đến sử dụng đất và công sản; Nhóm cơ chế/chính sách đề xuất liên quan đến cán bộ và phát triển nhân lực; Nhóm cơ chế/chính sách đề xuất liên quan đến nguồn lực tài chính; Nhóm cơ chế/chính sách đề xuất cho thúc đẩy liên kết vùng; Nhóm cơ chế/chính sách đề xuất phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ số tập tập trung; Nhóm cơ chế/chính sách đề xuất phát triển văn hóa, xã hội.
Bản thân TPHCM ý thức rõ và sâu hơn “sức khỏe” của mình trong biểu đồ sức khỏe chung của vùng. Thể chất, tính chất phát triển của nội vùng thành phố cũng cần được đặt để trở lại về mặt quy hoạch tổng thể thành phố trong định hướng chiến lược liên kết vùng từ cấp thành phố xuống đến các quận huyện.
Vai trò dẫn dắt của TPHCM cần được tái cấu trúc trong việc thành phố tập trung cho những lợi thế của mình (tri thức, KH-CN và dịch vụ chất lượng cao), không làm những việc mà các tỉnh thành khác đang làm, dành quỹ đất để phát triển hạ tầng dịch vụ, tài chính, công nghệ.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một cuộc “vượt vũ môn” trong phục hồi và tăng tốc phát triển của vùng Đông Nam bộ!