Cần người đủ tầm, đủ tâm kiểm soát quyền lực

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định 114) thay thế Quy định 205 đã ban hành trước đó.

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, về vấn đề kiểm soát quyền lực, vai trò giám sát trong công tác cán bộ.

Đồng chí Phạm Chánh Trực

Đồng chí Phạm Chánh Trực

Công cụ đủ mạnh

PHÓNG VIÊN: Quy định 114 đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC: Theo tôi, Quy định 114 khá toàn diện, hoàn chỉnh. Với quy định này, Đảng ta có thêm công cụ để tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong công tác cán bộ. Đồng thời, cũng là tăng thêm điều kiện, phương tiện để giữ cho vững cái gốc - tức giữ vững công tác tổ chức và công tác cán bộ. Qua đó, góp phần phát huy, sử dụng và phân công bố trí, điều động, bổ nhiệm cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

"Chúng ta có nhiều việc phải lo nhưng cái lo quan trọng nhất là lo cho con người, lo xây dựng rèn luyện cán bộ. Đầu tư quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho cán bộ, bộ máy vững mạnh thì mới vận hành hiệu quả công việc" -

Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC

Quy định của Đảng không thiếu nhưng trên thực tế, công tác cán bộ vẫn thường xuyên bộc lộ những hạn chế, bất cập, thưa đồng chí?

Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây là điều rất tốt. Trước đây, tôi không thấy có nhiều quy định như thế. Dù không có nhiều nhưng các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương, TPHCM đến tận cơ sở mà tôi biết, trong hoạt động công vụ, đều tập trung làm rất tích cực, rất trách nhiệm chứ không thấy ai toan tính chuyện tư lợi, càng không bị cám dỗ vật chất, chạy theo đồng tiền. Chia sẻ điều này tôi muốn nói, bối cảnh thời chúng tôi thuận lợi hơn, hoàn cảnh bây giờ tác động vào cán bộ phức tạp hơn trước nhiều. Tôi cho rằng, chúng ta càng đi sâu vào nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu sâu rộng sẽ càng chịu nhiều sức ép trước mãnh lực của đồng tiền và nhiều cám dỗ vật chất khác.

Để bổ nhiệm cán bộ thường theo quy trình rất chặt chẽ, nhưng trên thực tế, vẫn còn những trường hợp “con voi chui lọt lỗ kim” khi nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, liên quan nhiều cán bộ cấp cao ở trung ương và địa phương, vì sao thưa đồng chí?

Tình trạng cán bộ, đảng viên hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các vụ việc, vụ án như chúng ta biết thời gian qua là đáng suy ngẫm. Tôi cho rằng, nguyên do là cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nặng chủ nghĩa cá nhân, chứ không thể nào đổ lỗi cho tác động bên ngoài, cho hoàn cảnh được.

Tôi nghĩ rằng, tổ chức Đảng có trách nhiệm trước hết trong công tác huấn luyện cán bộ, đây là việc rất quan trọng. Trong sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình phải được duy trì, đẩy mạnh thường xuyên. Chi bộ mà yếu, thiếu tính chiến đấu, góp ý phê bình kiểu vuốt ve nhau, dĩ hòa vi quý thì cán bộ không nhận thấy khiếm khuyết, sai lầm được.

Cần nhân tố then chốt

Để thực hiện có hiệu quả Quy định 114 này, đồng chí quan tâm điều gì?

Xây dựng được quy định đã là khó nhưng thực hiện càng khó hơn. Và còn phải thể hiện bằng quy định pháp luật cho đồng bộ. Ai thực hiện? Chúng ta phải chọn được người, phải tìm ra những nhân tố then chốt để thực hiện quyền lực và kiểm soát cho được quyền lực trong công tác cán bộ. Những nhân tố then chốt đó trước tiên là người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị tham mưu và kiểm tra, thanh tra trong công tác cán bộ.

Họ phải kiểm soát cho được quyền lực của hệ thống nhiều tầng, nhiều bộ phận để tránh tình trạng “mua chức, mua quyền” cùng những hệ lụy khác. Đặc biệt, những nhân tố then chốt này phải là người đủ tầm, đủ tâm, đủ tài, đủ trách nhiệm. Người có tầm không đủ sẽ không biết làm thế nào; có tâm không sáng thì sẽ không vô tư khách quan và dễ bị lôi kéo.

Vai trò giám sát ở đây thì sao?

Một trong những vai trò quan trọng của HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp là giám sát việc thực hiện quyền lực và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. HĐND, MTTQ và hệ thống chính trị cần sâu sát dân, lắng nghe dân và tổ chức cho dân, cho cử tri giám sát, góp ý kiến, phê bình cán bộ, công chức, đại biểu nhân dân.

Đảng ta có rất nhiều công cụ để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đức độ và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Điều quan trọng là phải được thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ thì mới phát huy triệt để được hiệu quả.

TPHCM đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội. Vậy trong công tác cán bộ, TPHCM cần chú trọng điều gì?

Hai nghị quyết này có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của TPHCM trong tương lai. Do đó, tôi rất quan tâm đến việc TPHCM lựa chọn cán bộ để thực hiện. Trước hết, trong công tác cán bộ, bố trí cán bộ, cần lựa chọn, đề bạt cho được những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, công tâm, tận tụy vì công việc, không nặng chủ nghĩa cá nhân, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không dao động trước mặt trái của kinh tế thị trường.

Tin cùng chuyên mục