Cạn nguồn lực

Năm năm trước, khi thành lập Công ty VPF, việc đầu tiên những nhà lãnh đạo công ty này làm đó là thay người đứng đầu lực lượng trọng tài, khi đó là ông Nguyễn Văn Mùi. Rồi chỉ 2 năm sau, người thay thế là ông Đoàn Phú Tấn cũng không được tín nhiệm, thay bằng ông Dương Vũ Lâm và cũng chỉ một thời gian ngắn, ông Nguyễn Văn Mùi quay lại công việc điều hành trọng tài. Riêng với cá nhân ông Mùi, đây đã là lần thứ 3 ông đảm đương vị trí rất quan trọng nhưng vô cùng nhạy cảm này.

Nói như vậy để thấy, những tranh cãi gần đây xung quanh chiếc ghế Trưởng ban trọng tài của bóng đá Việt Nam đang đi vào ngõ cụt. Có ý kiến cho rằng “cứ sa thải ông Mùi thì bóng đá Việt Nam sẽ tốt ngay”, nhưng thực tế thì không ai dám chắc nếu điều đó xảy ra, mọi thứ sẽ tốt ra sao. Cũng tương tự như suốt 3 mùa bóng gần nhất, BTC V-League phải mời trọng tài ngoại sang điều hành các trận đấu quan trọng nhằm giúp lực lượng trọng tài nội có thời gian để rèn luyện, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Thật ra, câu chuyện về trọng tài - một trong những nguyên nhân được nhìn nhận là gây ra sự yếu kém của V-League, chỉ là bề nổi của tảng băng. Bản chất vấn đề đáng quan tâm hơn nhiều: Nguồn lực con người trong bóng đá Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Đơn cử như vị trí cao nhất của nền bóng đá là Chủ tịch VFF. Khi tranh cử, chỉ có một mình ông Lê Hùng Dũng tham gia và khi ông Dũng tạm nghỉ vì lý do sức khỏe không thể trực tiếp điều hành, cũng chẳng biết ai hơn ông để thay thế. Ngày trước, vị trí này thường được dành cho người có ảnh hưởng lớn trong xã hội hoặc chính quyền đảm trách, nhưng hiện nay, ngay cả việc tìm một người trong ngành cũng còn khó khăn. Cao nhất đã thế, các vị trí bên dưới cũng chẳng có ai mới mẻ. Những người ngoài xã hội tham gia vào bóng đá cho đến lúc này, cũng chỉ là bầu Thắng, bầu Đức - vốn chỉ có mặt để “giữ phong trào” chứ đóng góp không nhiều. Ở góc độ khác, những ý kiến chỉ trích gay gắt nhất, đòi thay đổi VFF mạnh mẽ nhất, cũng lại chỉ xuất phát từ những nhân vật đã từng làm việc trong các nhiệm kỳ trước của VFF, nay đã về hưu. Các đóng góp kiểu như vậy, cuối cùng cũng chỉ là ý kiến phản biện chứ khả năng “xắn tay vào làm” là không có. 

Muốn thay đổi bóng đá Việt Nam, rất cần nguồn lực con người, đặc biệt là sự tham gia của các thành phần ngoài xã hội. Tuy nhiên, để có được sự quan tâm của xã hội thì lại phải cải tổ bộ máy hoạt động. Đó là một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đơn giản là với thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay, không có cái gì mới mẻ, không đủ sức lôi cuốn người xem, không có động lực để phát triển thì lấy đâu ra nhân tố mới để tham gia vào sự nghiệp chung?!

Một bài toán hóc búa như vậy, tự thân VFF không thể làm được, mà cần có sự tham gia của cơ quan quản lý là Bộ VH-TT-DL. Không trực tiếp can thiệp vào công việc của VFF vì vướng quy định của FIFA, nhưng Bộ VH-TT-DL hoàn toàn có thể làm đầu mối quy tụ nhân tài, tổ chức các hội thảo chuyên đề chất lượng, những “Hội nghị Diên Hồng của bóng đá”. Cụ thể hơn, có thể can thiệp vào chính sách ưu đãi cho đầu tư thể thao, ban hành những tiêu chuẩn cho VĐV (cầu thủ), siết chặt quản lý giáo dục cầu thủ thông qua việc phê duyệt quy chế, điều lệ do VFF trình lên. Qua đó, “gạn đục, khơi trong”, tìm ra những người có năng lực và tâm huyết để chung tay phát triển bóng đá chuyên nghiệp. 

Đăng Linh

Tin cùng chuyên mục