Ngày hội “Tiên hướng nghiệp - Hậu hướng trường” do Báo SGGP tổ chức ngày 6-3 tại Trà Vinh vừa qua có số lượng học sinh tham gia kỷ lục, hơn 7.000 em, với lượng câu hỏi thắc mắc lên đến hàng ngàn. Do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi chọn lọc và tiếp tục giải đáp thắc mắc của các em học sinh.
Chọn trường theo sức học
* Hiện nay, đa số các bạn học sinh có xu hướng và mục tiêu là phải vào ĐH, trong khi vẫn có những người sau khi có bằng ĐH vẫn bị thất nghiệp. Vậy, theo Ban tư vấn, chúng em phải làm sao trước tình huống này? Nguyễn Phương Linh (Trường THPT Vũ Đình Liệu - Trà Vinh)
* Thật ra việc học ĐH đòi hỏi phải có một năng lực nhất định. Nhiều học sinh vì mục tiêu phải vào được ĐH nên đã cố học luyện thi, nhồi nhét kiến thức để có thể trúng tuyển. Nhưng khi vào học đã không phát huy được năng lực, có bạn phải chia tay giữa chừng, nhiều bạn khác học theo kiểu đối phó để có được mảnh bằng. Dĩ nhiên, các trường hợp học đối phó này sẽ không có một năng lực thực sự để có thể hòa nhập vào môi trường lao động ngày càng có yêu cầu cao như hiện nay.
Có thể vì lý do này mà nhiều sinh viên ra trường vẫn khó có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn. Do đó, nhiều chuyên gia hướng nghiệp khuyên rằng không nhất thiết bằng mọi giá phải vào ĐH, mà tùy năng lực, hoàn cảnh gia đình, các bạn học sinh có thể chọn cho mình một nghề phù hợp ở bậc trung cấp, CĐ.
Hiện nay, nhiều nghề bậc trung cấp đang cần rất nhiều lao động như cơ khí chế tạo, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, chế biến thực phẩm… Nhiều học sinh tốt nghiệp trường nghề vẫn thành công trong cuộc sống và nếu có điều kiện vẫn có thể học tiếp lên bậc CĐ, ĐH tùy theo nguyện vọng và nỗ lực của bản thân.
* Khi đăng ký dự thi ĐH, làm sao để có cơ hội trúng tuyển cao? Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, cơ hội trúng tuyển nguyện vọng 2, 3 có cao không? Trần Thanh Quý (Trường THPT Phạm Thái Bường - Trà Vinh)
* Theo các chuyên gia tuyển sinh, dù về lý thuyết, mỗi thí sinh có thể dự thi 3 đợt, mỗi đợt có 3 nguyện vọng, tổng cộng có thể có đến 9 nguyện vọng. Tuy nhiên, kinh nhiệm nhiều năm qua cho thấy nhiều thí sinh xác định năng lực và ngành dự thi không đúng năng lực thì cơ hội trúng tuyển sẽ không cao. Trong khi nhiều thí sinh khác chỉ tập trung vào một ngành, một khối thi đúng năng lực nhất thì chỉ qua một đợt thi đã trúng tuyển ĐH theo đúng nguyện vọng của mình.
Do đó, trong giai đoạn này, thí sinh cần tìm hiểu và nắm bắt thông tin chính xác về ngành học, trường học phù hợp nhất theo sở thích nghề nghiệp, năng khiếu, hoàn cảnh và năng lực của mình để chọn được ngành và trường cho mỗi đợt thi. Nếu xác định nguyện vọng 1 phù hợp với năng lực và nỗ lực học tập tốt, cơ hội trúng tuyển sẽ cao.
* Cho em hỏi các trường CĐ và ĐH ngoài công lập có học phí như thế nào? Các trường này có chế độ ưu tiên hay chính sách miễn giảm học phí không? Thanh Phương (Trường THPT Nguyễn Đáng - Trà Vinh)
* Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công bố mức học phí trong quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ. Em tham khảo cuốn sách này để có được thông tin chính xác về mức học phí của các trường ngoài công lập. Nhìn chung, mức học phí đang áp dụng tại các trường ở TPHCM đối với bậc CĐ khoảng 6 triệu đồng/năm/sinh viên; bậc ĐH khoảng 7-10 triệu đồng/năm/sinh viên.
Tuy nhiên, cá biệt vẫn có trường thu học phí khoảng 15-20 triệu đồng/năm/sinh viên hoặc cao hơn nữa. Mức học phí của các trường ngoài công lập ở một số địa phương thường thấp hơn mức trên. Để khuyến khích học sinh giỏi thi vào, nhiều trường ngoài công lập đều có học bổng cho các em đậu thủ khoa cũng như dành nhiều suất học bổng cho tân sinh viên. Một số trường cũng xét miễn giảm đối với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Chọn ngành theo sở thích
* Em thích học ngành quản trị du lịch và khách sạn nhưng ba em lại muốn em thi vào ngành dược, vì đây là ngành có tương lai. Vậy em nên chọn ngành nào để học? Hồng Thúy (Trường THPT Thị xã Trà Vinh)
* Dĩ nhiên lời khuyên, định hướng của gia đình hết sức quý báu, em cần phải trân trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân em thích ngành nào? Đầu tiên, em cần làm trắc nghiệm về sở thích nghề nghiệp (tham khảo tại: http://www2.hcmuaf.edu.vn/tracnghiem/huongnghiep/) xem mình phù hợp với ngành nghề nào. Nếu lời khuyên của gia đình mâu thuẫn với năng lực và sự yêu thích của mình, em nên thuyết phục gia đình rằng ngành đó không phù hợp và dù có ép, em cũng không thể theo đuổi lâu dài.
* Nhiều người khuyên em nên chọn ngành kinh tế học vì đây là ngành lúc nào cũng cần. Em muốn hỏi ngành kinh tế học cung cấp kiến thức gì, ra trường làm việc ở đâu? Đỗ Mai Hương (Trường THPT Phạm Thái Bường - Trà Vinh)
* Ngành kinh tế gồm nhiều chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành kinh tế học. Đây là chuyên ngành đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu độc lập và có tính sáng tạo; có kiến thức chuyên sâu và hiện đại về kinh tế học và các lĩnh vực kinh tế ứng dụng; có khả năng vận dụng lý thuyết kinh tế để phân tích các tình huống kinh tế; có khả năng phân tích các chính sách kinh tế, các dự án kinh tế.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu kinh tế, làm việc trong các định chế tài chính trong nước và quốc tế, trong các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, làm giảng viên trong các trường ĐH, CĐ và TCCN.
Ngành kinh tế còn có các chuyên ngành như chuyên ngành kinh tế kế hoạch và đầu tư, chuyên ngành kinh tế lao động và quản lý nguồn nhân lực, chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyên ngành kinh tế thẩm định giá, chuyên ngành kinh tế bất động sản.
* Giữa trường công và trường tư, trường nào dễ xin việc hơn? Khi đi thực tập, các trường giới thiệu chỗ thực tập cho mình hay sinh viên tự xin việc? Nguyễn Kim Yến (Trường THPT Thị xã Trà Vinh)
* Đây là băn khoăn hợp lý của nhiều học sinh trước khi chọn trường để học. Đối với nhà tuyển dụng, khi nhìn vào tên trường là trường công lập nổi tiếng, họ dễ có thiện cảm hơn là trường ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường ngoài công lập đã vươn lên, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy và đã tạo được thiện cảm cho người sử dụng lao động qua chất lượng đào tạo sinh viên. Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập vẫn được đánh giá cao và rất thành công trong công việc.
Do đó, điều quan trọng không phải nằm ở tấm bằng mà là năng lực thực sự của bản thân mình. Dù học trường ngoài công lập nhưng bản thân luôn nỗ lực học tốt thì khi ra trường vẫn có nhiều cơ hội việc làm hơn là học trường công nhưng là học đối phó để lấy được tấm bằng.
Hiện nay, việc bố trí cho sinh viên đi thực tập cũng tùy theo từng trường, từng khoa. Có trường để sinh viên tự tìm nơi thực tập như là một cách tạo sự năng động cho sinh viên. Cũng có trường có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp thường bố trí chỗ thực tập cho sinh viên.
* Các môn học em đều học đều nhau nhưng em yêu thích ngành hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, em nên chọn vào ngành nào, trường nào? Nguyệt Ánh (Trường THPT Hòa Lợi - Trà Vinh)
* Em thích cả hai ngành hướng dẫn viên du lịch và ngành phiên dịch thì nên chọn ngành phiên dịch. Vì đối với nữ mà làm hướng dẫn viên du lịch thì rất cực nhọc và tuổi nghề cũng không cao, thường khoảng 40 tuổi là các hướng dẫn viên nam đã mệt mỏi và phải chuyển sang làm quản lý…
Em nên thi vào ngành tiếng Anh của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM để khi ra trường có thể thực hiện ước mơ làm phiên dịch của mình. Nếu sức học trung bình, em nên thi vào ngành này ở các trường đại học ngoài công lập, vì điểm chuẩn thường chỉ bằng điểm sàn.
BAN TƯ VẤN
Thông tin liên quan |
Khát vọng chọn nghề, chọn trường |