Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu tấn thiết bị điện tử trở thành rác thải. Bên cạnh lãng phí một lượng lớn kim loại quý, rác thải điện tử (RTĐT) còn là hiểm họa đối với môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.
Tại buổi phân tích Xu hướng công nghệ tháng 7 do Trung tâm thông tin KH-CN TPHCM tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, với việc khó kiểm soát dòng di chuyển của các sản phẩm điện tử đã hết hạn sử dụng, cùng với công nghệ tái chế hoàn toàn thủ công như hiện nay, các nước nhập khẩu loại sản phẩm điện tử cũ, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều nỗi lo.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), có khoảng 40 triệu tấn thiết bị điện tử thải ra mỗi năm. Đến năm 2020, dự báo RTĐT, trong đó có các loại máy tính cũ, máy in, điện thoại di động, máy nhắn tin, các thiết bị nhạc và ảnh kỹ thuật số, tủ lạnh, đồ chơi và máy vô tuyến truyền hình bị thải hồi ở Trung Quốc và Nam Phi sẽ tăng tới 400%, ở Ấn Độ tăng hơn 500% so với mức độ của năm 2007.
Còn tại Việt Nam, kết quả điều tra của TS A.Terazono (Viện nghiên cứu môi trường Nhật Bản) cho thấy, chỉ tính riêng tivi cũ, Việt Nam đã nhập đến 773.496 chiếc từ Nhật trong năm 2008. Trong đó, TPHCM là nơi đầu mối tập trung nguồn hàng (từ ĐBSCL và nhập khẩu trái phép từ Campuchia) trước khi tiêu thụ sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.
Cũng theo số liệu thống kê này, TPHCM phát thải chất thải điện - điện tử vào khoảng 6.140 tấn/năm nhưng tái chế chỉ đạt khoảng 98 tấn/năm và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
“Trong RTĐT có chứa nhiều thành phần nguy hại như chì, cadimi, thủy ngân, asen… và các chất có khả năng phá hủy tầng ozon như CFC, HCFC. Nếu không tiêu hủy hoặc tái chế không đúng phương pháp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”, TS Trần Minh Chí, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo TS Trần Minh Chí, RTĐT không phải là thứ bỏ đi hoàn toàn. Ước tính một tấn quặng vàng trung bình chỉ thu được khoảng 5g vàng nhưng một tấn điện thoại di động bỏ đi có thể thu được ít nhất 150g vàng. Đó là chưa kể trong “núi” rác này còn chứa khoảng 100kg đồng, 3kg bạc cùng nhiều kim loại khác nữa. Có lẽ vì thế mà tái chế rác thải được nhiều nước tiên tiến trên thế giới xem là ngành công nghiệp thu nhiều lợi nhuận.
Đơn cử, tại Công ty Eco-Sytem (Nhật Bản), mỗi tháng công ty này thu được một lượng lớn vàng nguyên chất, trừ phí tái chế, họ thu từ 6 - 9 triệu USD. Một công ty tái chế lớn khác là Umicore tại Brussels cũng cho biết có thể thu hồi được 250g vàng từ một tấn tấm vi mạch và hiện họ có hàng triệu tấm vi mạch máy tính như thế.
Tái chế RTĐT là công việc mang lại nhiều lợi nhuận, ứng dụng công nghệ lại không quá phức tạp. “Với lượng rác thải điện tử mà Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng phát thải mỗi năm, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tái chế “núi vàng” kể trên là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các công cụ quản lý trên phương diện quản lý nhà nước cần đẩy mạnh, nhằm dễ dàng hệ thống hóa con đường thu gom chất thải điện tử, thay vì để RTĐT dịch chuyển mất kiểm soát như hiện nay”, Th.S Nguyễn Văn Sơn, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường nhận định.
Hân Tường