Một số nhóm cư dân hiểu được quyền lợi đó cũng đứng ra đấu tranh, tranh chấp để giành quyền quản trị với mục đích chính cũng là giành quyền quản lý số tiền phí bảo trì “khủng” mà cư dân đã đóng.
Thế nhưng, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, thoát được chủ đầu tư, người dân cũng không có cuộc sống tốt hơn nếu ban quản trị - do cư dân bầu ra - vừa không có chuyên môn lại không có kinh nghiệm quản trị. Do vậy, không ít chung cư chất lượng dịch vụ kém, nhưng ban quản trị vẫn đề xuất mức phí quản lý cao. Hay nhóm cá nhân này đấu đá với nhóm cá nhân khác để giành quyền quản trị - thật ra là giành lợi ích vì được hưởng lương, có quyền quyết chi phí sửa chữa, được nhận những khoản hoa hồng lại quả khi có quyền chọn công ty quản lý, sửa chữa…
Do vậy, đầu tháng 10-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp thành viên ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định. Thế nhưng, đến giờ những tranh chấp trong các chung cư chưa giảm nhiệt.
Do vậy, để chuyên nghiệp hóa trong quản lý, vận hành chung cư, đã đến lúc nhà nước cần can thiệp vào, thay vì đi xử lý hậu quả tranh chấp như lâu nay. Cụ thể là giao các sở ngành thành lập công ty chuyên chung cấp dịch vụ vận hành chuyên nghiệp với giá dịch vụ và hệ thống điều hành quản lý chuyên nghiệp, thống nhất. Đương nhiên, người dân có thể tự mình giám sát hoặc bầu ra ban quản trị để giám sát nhưng không hưởng lương, không được trục lợi từ tiền chung của cư dân. Bởi thực tế, nếu ở các chung cư lớn, số tiền thu được từ quảng cáo trong thang máy, các dịch vụ từ khoảng công cộng cũng có thể bù vào chi phí quản lý, để giảm giá mức phí quản lý do mỗi nơi tự đặt ra cao ngất ngưởng như lâu nay. Một số người dân than phiền, ở nhà chung cư mà như ở nhà thuê vì mỗi tháng, riêng phần phí quản lý phải đóng đến 15.000 - 20.000 đồng/m², khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/hộ, chưa kể tiền giữ xe, là quá nhiều.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình công ty quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp. Khi chung cư được xây xong sẽ có các công ty quản lý của thành phố - được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực là công ty có đủ năng lực vận hành quản lý nhà chung cư - để đứng ra quản lý các dự án nhà chung cư, dưới sự giám sát của ban quản trị chung cư và của chính quyền thành phố. Công ty này sẽ áp dụng thống nhất mức phí quản lý gửi xe, dịch vụ bảo vệ, dọn vệ sinh, bảo trì các hạng mục công trình… theo khung giá thống nhất được nhà nước kiểm tra, phê duyệt.
Để thực hiện điều này, trước hết phải thay đổi các quy định pháp luật không được thực thi hiệu quả hiện nay. Sau đó, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy chế quản lý nhà chung cư và các địa phương tiến hành hình thành các công ty quản lý vận hành nhà chung cư chuyên nghiệp. Nếu doanh nghiệp tư nhân nào có khả năng cạnh tranh giá tốt thì được tham gia để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho cư dân sống trong chung cư. Như vậy sẽ chuyên nghiệp hóa và tránh được tranh giành, trục lợi quỹ bảo trì chung cư như lâu nay.