Chúng ta đều biết, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị đang gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân: tính tự giác chưa cao, thiếu phương tiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng còn kém, giao thông còn ùn tắc… và nhiều yếu tố khác.
Trong điều kiện khách quan ấy, yếu tố cần thiết nhất là công tác kiểm tra thường xuyên của các ban ngành chức năng. Tuy nhiên, lực lượng chuyên ngành còn thiếu, các biện pháp chế tài chưa nghiêm khắc, buôn bán nhỏ lẻ còn phổ biến… thì sẽ bắt đầu như thế nào? Để tránh tình trạng lúng túng trong phương pháp tổ chức thực hiện cuộc vận động, xin đề xuất một số kinh nghiệm để vận dụng, ví dụ ở Singapore.
Cách đây hơn 30 năm, họ tiến hành từng bước để giữ sạch môi trường và thực hiện nếp sống văn minh theo trình tự: vận động sâu rộng dài lâu, triển khai theo lộ trình cụ thể, kiểm tra liên tục, đúc kết kinh nghiệm rồi nâng dần mức chế tài, tiến đến hoàn hảo! Tuy nhiên, họ cũng đã trải qua giai đoạn hết sức thiếu thốn các khu vệ sinh công cộng, thiếu bô rác, tùy tiện trong việc phóng uế và né tránh nhà chức trách khi lỡ vi phạm…
Vậy, điểm xuất phát của họ ra sao? Có thể nói, từ ý tưởng đi đến thành công của Singapore chính là việc giao toàn quyền đôn đốc kiểm tra và xử lý cục bộ ngay từ lúc mới triển khai vận động. Có nghĩa, chính quyền cấp cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm về địa bàn của mình. Khi cấp trên đột xuất kiểm tra, chính quyền sở tại phải báo cáo chi tiết về tình hình trật tự vệ sinh trong khu vực quản lý của họ. Sự phân cấp rõ ràng như thế vừa tạo ra áp lực trách nhiệm cao ở cấp cơ sở, vừa thể hiện tính khoa học trong công tác quản lý.
Những quan chức địa phương không làm hết trách nhiệm kiểm tra xử lý vệ sinh môi trường trong khu vực của mình sẽ bị kỷ luật, thậm chí buộc thôi việc. Quy định này buộc tính gương mẫu và trách nhiệm của giới công chức địa phương nâng lên rất cao, kéo theo họ là dư luận tích cực, lan rộng trong cộng đồng. Song song với những biện pháp phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho cá nhân, họ ráo riết thành lập nhiều lực lượng thực thi việc chế tài, xử lý vi phạm tại chỗ…
Nhà nước trích một nguồn kinh phí khá lớn cho những biện pháp nói trên, diễn ra liên tục trong khoảng từ 10 đến 15 năm. Ý thức công dân buộc phải đi vào khuôn phép, dẫn đến tự giác hoàn toàn, không những giữ đường phố xanh sạch đẹp mà còn ảnh hưởng tích cực đến hành vi ứng xử văn minh.
Nước ta chỉ mới bắt đầu cuộc vận động này, khó khăn chồng chất là tất yếu không thể tránh khỏi. Theo chúng tôi, nơi trực tiếp theo dõi, vận động và xử lý hiệu quả nhất chính là tổ dân phố, khu phố, phường xã, thị trấn. Chỉ có lực lượng tại chỗ mới đủ khả năng kiểm soát chặt chẽ đến từng hành vi cá nhân nơi công cộng. Dĩ nhiên từng quận huyện cần kiểm tra luân phiên và đột xuất, phê bình và xử lý triệt để trên từng địa bàn thuộc cấp mình. Còn lại, những hoạt động thường xuyên cần giao khoán cho cấp cơ sở, có khen thưởng và xử phạt phân minh.
Thực tế cuộc vận động trong những tháng vừa qua (kể từ 23-1-2008) đã thể hiện hiệu quả chưa cao. Có thể phương pháp của chúng ta chưa thích hợp và chưa có lộ trình ngắn hoặc dài để tiến hành và theo đuổi đến cùng. Chẳng hạn: chống xả rác, chống khạc nhổ bừa bãi… chúng ta sẽ làm quyết liệt trong bao nhiêu năm sẽ dứt điểm ở đô thị lớn? Chọn mục tiêu nào thì phải kiên quyết thực hiện bằng được mục tiêu đó, tránh “đầu voi đuôi chuột”. Dù khó khăn đến đâu cũng cần linh hoạt vận dụng nhiều bài học vào thực tế để giải quyết căn bản tình trạng còn bệ rạc hiện nay.
LIÊN HÙNG
(Quận 9 - TPHCM)