Theo hiệp hội Nhựa Việt Nam, sản phẩm phụ trợ của ngành nhựa đã cung ứng đa dạng cho các ngành công nghiệp như ngành ôtô, xe máy, điện tử, điện gia dụng, dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo…, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phụ trợ ngành nhựa trong các ngành công nghiệp hiện rất thấp, chỉ mới đạt hơn 26%. Số còn lại phải mua từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi, Thái Lan tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phụ trợ ngành nhựa là 59%, Malaysia là 49%.
Lý giải thực tế trên, theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước với xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân, kỹ sư chưa cao... nên chưa thể đi sâu nghiên cứu, sản xuất các chi tiết sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Ngoài ra, chất lượng một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ của doanh nghiệp trong nước còn thấp, chưa đồng đều và giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, để đạt mục tiêu năng lực sản xuất sản phẩm nhựa đạt gần 5 triệu tấn/năm từ nay cho đến 2020. Trong đó, sản phẩm nhựa bao bì gần 1,6 triệu tấn/năm, nhựa vật liệu xây dựng đạt 1,4 triệu tấn/năm, nhựa kỹ thuật 1,3 triệu tấn/năm và nhựa gia dụng đạt 750 ngàn tấn/năm, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường công tác nghiên cứu, triển khai, đầu tư công nghệ phù hợp, tổ chức quản lý chuyên nghiệp; nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các doanh nghiệp lắp ráp; tăng cường liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp để tăng nội lực đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao của doanh nghiệp lắp ráp trong nước, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phụ trợ ngành nhựa, về phía cơ quan chức năng cần hình thành hệ thống thông tin về công nghiệp phụ trợ cả nước để cung cấp thông tin về công nghiệp phụ trợ một cách tốt nhất cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Tăng cường hoạt động các Viện Nghiên cứu chuyên ngành để làm cầu nối và gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thiết kế, triển khai sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ. Riêng Bộ Công thương sớm xác định danh mục sản phẩm công nghiệp phụ trợ trọng điểm của quốc gia cho từng thời kỳ và đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, cần tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm của các ngành công nghiệp phụ trợ trên phạm vi toàn quốc cho từng lĩnh vực và ngành hàng hàng năm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giới thiệu sản phẩm, liên kết doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và thị trường thế giới. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát sản phẩm nhập khẩu và lưu thông trên thị trường trong nước để chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ sản phẩm trong nước cũng như doanh nghiệp sản xuất.
Phúc Anh