Cần Thơ: Khu di tích Giàn Gừa bị khóa cổng do tranh chấp

Sáng sớm ngày 3-1, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa (tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã bị kẻ xấu khóa trái cổng chính dẫn đến việc hàng chục khách du lịch quốc tế lẫn khách trong nước không vào được bên trong để tham quan.
Cần Thơ: Khu di tích Giàn Gừa bị khóa cổng do tranh chấp

Sáng sớm ngày 3-1, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa (tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã bị kẻ xấu khóa trái cổng chính dẫn đến việc hàng chục khách du lịch quốc tế lẫn khách trong nước không vào được bên trong để tham quan.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã đến lập biên bản ghi nhận sự việc và định tiến hành phá ổ khóa để hoạt động tham quan diễn ra bình thường. Thế nhưng, hàng chục người dân nơi đây (chủ yếu thuộc dòng tộc họ Nguyễn) đã ngăn cản và đề nghị lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

Ông Nguyễn Văn Liên (63 tuổi, người dân địa phương) cho biết: “Khoảng 4 giờ sáng 3-1 có người nào đó đã khóa trái cổng chính của khu di tích. Khi vừa phát hiện sự việc, người dân đã trình báo chính quyền địa phương. Người dân đề nghị cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ đối tượng phá hoại thì mới cho tiến hành phá bỏ ổ khóa”.

Người dân bức xúc vì cổng Khu di tích Giàn Gừa bị khóa.

Khu di tích lịch sử Giàn Gừa hiện do Ban quản lý của chính quyền địa phương (bầu ra) cùng dòng tộc họ Nguyễn ở đây đồng quản lý. Tại đây, trước kia có đặt thùng tiền từ thiện để mọi người đóng góp. Thời gian qua, ông Nguyễn Văn Lý (Trưởng ban quản lý) muốn hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, khai thác lợi nhuận từ khu di tích nhưng bị mọi người trong dòng tộc Nguyễn phản đối. Dòng tộc họ Nguyễn cho rằng ông Lý sử dụng số tiền từ thiện vào việc cá nhân, không đúng mục đích, đồng thời yêu cầu bầu lại ban quản lý mới.

“Trong năm vừa rồi, ông Lý đã mang số tiền 850 triệu đồng từ thiện sử dụng vào việc gì đó mà không thông báo cho mọi người trong dòng tộc. Đã vậy ông ấy còn định đưa người khác vào khai thác lợi nhuận ở đây, như vậy là làm trái với quy luật từ xưa của ông bà tổ tiên. Khi chúng tôi yêu cầu bầu lại ban quản lý thì ông ta cứ lảng tránh, không chịu ra mặt khiến mọi người bức xúc dẹp bỏ luôn thùng tiền quyên góp”, ông Nguyễn Văn Liên nói.

Ông Phan Thành Dũng (công an viên phụ trách ấp Nhơn Khánh) cho biết: “Sau khi nhận được tin báo về sự việc trên, chúng tôi đã cử lực lượng xuống ghi nhận và giữ an ninh trật tự, đồng thời báo cáo cấp trên. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên là do chưa có sự đồng thuận trong dòng họ Nguyễn dẫn đến tranh chấp quản lý tại khu di tích này”.

Ông Nguyễn Hoàng Ba, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo giữ an ninh trật tự tại Khu di tích lịch sử Giàn Gừa. Dự kiến đến ngày 5-1, UBND huyện sẽ mời các ban ngành, đoàn thể họp giải quyết tranh chấp.

Khu Giàn Gừa trước đây có diện tích rất lớn nhưng do sự tàn phá của bom đạn chiến tranh và sự tác động của môi trường, diện tích đã bị thu hẹp dần. Trong khu có một cây gừa (Ficus microcarpa), thuộc họ dâu tằm (Moraceae), có tuổi đời hơn 150 năm, phát triển rất nhiều chi, cành, đan xen với nhau tạo thành giàn lớn nên người dân trong vùng quen gọi “Giàn Gừa”. Hiện cây gừa này có diện tích tán hơn 2.700m2, chiều cao trung bình khoảng 12m.

Đến nay chưa ai biết rõ nguồn gốc của giàn gừa. Nhiều lão làng trên 70 tuổi khẳng định lúc họ còn nhỏ, giàn gừa đã che phủ cả một vùng rộng lớn. Do ở đây có địa hình hiểm yếu, nên trong chiến tranh, khu Giàn Gừa từng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Khu ủy Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ; là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu; huấn luyện, tập kết và chuyển quân. Đặc biệt đây còn là nơi đào tạo huấn luyện đội biệt động nội thành.

Tháng 4-2013, khu Giàn Gừa đã được chính quyền TP Cần Thơ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Tháng 6-2013, cây gừa cổ thụ 150 tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

HẠNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục