Cẩn trọng hiệu ứng vòng 2, dù cú sốc giá nhiên liệu sẽ “tiêu tan” vào năm 2023 ​

“Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng nền kinh tế (Việt Nam) chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ năm 2022”, các chuyên gia của WB nhận định trong báo cáo “Điểm lại”, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8-2022 với tựa đề “Giáo dục để tăng trưởng”. Báo cáo được công bố sáng nay, 8-8.
Cẩn trọng hiệu ứng vòng 2, dù cú sốc giá nhiên liệu sẽ “tiêu tan” vào năm 2023 ​

Theo báo cáo, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở. Do tác động xuất phát điểm thấp, GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 – thời điểm mà tốc độ tăng trưởng quay về như trước đại dịch ở mức 6,5-7%.

Trong khi đó, lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022, với xu hướng tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022. “Cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng 2 tiếp tục diễn ra và tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo dự báo cho năm sẽ khiến cho CPI tăng đến 4% trong năm 2023 trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024”, bản báo cáo nêu rõ.

Vẫn theo các chuyên gia WB, với các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ và du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo, chế biến dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại, tương tự như xu hướng tăng trưởng giai đoạn 2016-2019.

Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023.

Mặc dù lạm phát cho đến nay dường như chủ yếu do các yếu tố cung bên ngoài, nhưng giá cả gia tăng lên tục có thể khiến cho kỳ vọng lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến áp lực gây xáo trộn về mức lương danh nghĩa và chi phí sản xuất. Nhìn từ góc độ cầu, nhu cầu trong nước gia tăng đặc biệt khi tiêu dùng tiếp tục phục hồi có thể làm tăng áp lực lên giá cả.

Trong bối cảnh quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Cho dù Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện nhưng thách thức nằm ở những yếu kém trong triển khai.

Vì lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng được coi là vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản gia tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ thì Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.

Các bước đó kết hợp với các biện pháp truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo về quyết định chính sách tiền tệ là cách để giúp định hướng cho các thành viên thị trường, đồng thời đảm bảo neo giữ được kỳ vọng lạm phát.

Tin cùng chuyên mục