Trong khoảng thời gian giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, lúc khô lúc ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát bệnh. Đặc biệt, những bệnh liên quan tới hô hấp và bệnh truyền nhiễm tập trung ở trẻ em và người già có nguy cơ bùng phát...
Bệnh truyền nhiễm gia tăng
Vào thời điểm này, nhiệt độ môi trường thay đổi liên tục, thời tiết từ lạnh chuyển sang nóng, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, đặc biệt là các bệnh như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, sốt virus, thủy đậu, sởi, hô hấp, cúm, tiêu chảy, thương hàn... Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh có vai trò hết sức quan trọng.
Tiêm chủng cho trẻ là cách tốt nhất để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: MINH VƯƠNG Tại Khoa Lây nhiễm, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TPHCM, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân tới khám, điều trị các loại bệnh liên quan tới đường hô hấp, bệnh chân tay miệng, bệnh do virus gây ra. Vừa làm thủ tục khám chữa bệnh cho cậu con trai nhỏ, chị Lê Ngọc Hà (ngụ quận Tân Phú) cho biết, ban đầu thấy cháu loét miệng, khi ăn uống gặp rất nhiều khó khăn, có lúc đau quá cháu từ chối ăn uống, chảy nước miếng nhiều… Tôi đưa cháu đến khám thì được các bác sĩ chuẩn đoán bị bệnh tay chân miệng. Trường hợp bé Lê Quang Dũng (8 tháng tuổi) được bố mẹ đưa tới khám khi bị sốt nhẹ, trên cơ thể xuất hiện nhiều nốt đỏ lan khắp cơ thể. Sau khi làm các xét nghiệm, bé được chuẩn đoán mắc bệnh thủy đậu và đã biến chứng thành viêm phổi. Anh Lê Quang Thái (ba bé Dũng) cho biết: “Lúc đầu cháu bị sốt nhẹ, trên người nổi một hai nốt đỏ, tôi cứ nghĩ là bình thường và mua thuốc cho uống, sau một hai ngày thấy xuất hiện nhiều hơn rồi ra khắp cơ thể, lúc đó gia đình hoảng quá, mới đưa cháu đi khám”. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, không chỉ có trẻ nhỏ mới mắc các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, từ đầu năm tới nay, tại đây tiếp nhận điều trị hàng chục ca bệnh nhân là người lớn bị các bệnh liên quan tới mùa xuân, hay bệnh do thay đổi thời tiết giao mùa. Còn tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng bệnh nhân tới thăm khám do mắc cảm cúm, viêm họng, viêm mũi dị ứng... cũng tăng cao. Mới đây nhất, trung tâm đã ghi nhận thêm 1 ổ dịch thủy đậu và 3 ổ dịch quai bị. Ổ dịch thủy đậu xảy ra tại một công ty trên địa bàn quận 7, khiến 43 người mắc. 3 ổ dịch quai bị xảy ra tại 3 trường học trên địa bàn huyện Hóc Môn, với tổng số học sinh mắc là 21 em. Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, do đang trong thời điểm giao mùa nên những loại bệnh trên tăng hơn so với bình thường, nếu điều trị sớm và dứt điểm thì cũng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần chú ý giữ ấm cho bé vào sáng sớm và ban đêm. Khi cho bé ra ngoài, ba mẹ cần cho bé mặc đủ ấm, đội mũ, đeo khẩu trang. Sốt xuất huyết hoành hành Sở Y tế TPHCM vừa tổ chức họp khẩn về công tác phòng chống dịch năm 2017. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, tính đến thời điểm này, có 20/24 quận huyện báo động có số ca mắc SXH cao và liên tục gia tăng. Trước đó, trung tâm đã ghi nhận 2 ca tử vong do SXH trên địa bàn quận 12 và 1 ca nghi tử vong do SXH tại quận 5. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin 2 ca tử vong do SXH trên địa bàn quận 12, trung tâm đã xuống địa bàn khảo sát và nhận thấy khu phố nơi 2 bệnh nhân tử vong do SXH cư trú liên tục có người mắc SXH kéo dài trong nhiều tuần liền. Bên cạnh đó, trên địa bàn vẫn còn nhiều vật dụng chứa lăng quăng nên dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát thành dịch. Cụ thể tại khu phố 7, phường Hiệp Thành - nơi vừa có ca tử vong do SXH, đây không phải ổ dịch mới bộc phát gần đây, mà trước đó đã là điểm nguy cơ SXH, Zika với nhiều ca mắc bệnh. Tại phường Hiệp Thành, từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2017, mỗi tuần tại địa phương này đều ghi nhận 3 ca SXH, chưa kể những trường hợp bị sốt mà đi điều trị ở cơ sở tư và không báo cáo. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, SXH là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có thuốc đặc trị nhưng người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa nhận thức rõ về việc dịch bệnh có thể bùng phát nguy hiểm bất cứ lúc nào. “Sở Y tế sẽ chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tăng cường công tác truyền thông đến tận cơ sở, hướng tới mục tiêu hiệu quả là nhiều người biết đến sự nguy hiểm của bệnh này, biết cách phòng tránh và diệt trừ lăng quăng”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh. Miền Bắc: Bệnh ho gà tăng đột biến Tại các tỉnh phía Bắc, ho gà hiện đang là nỗi ám ảnh với người dân, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, các tỉnh khu vực phía Bắc ghi nhận 82 ca mắc ho gà và đã có 5 trẻ tử vong ở Nam Định, Hà Nội, Cao Bằng và Nghệ An. Điều đáng nói, 80% trẻ mắc ho gà chưa được tiêm phòng hoặc mới tiêm một mũi nên chưa đủ miễn dịch. Mới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã có công văn số 283/KCB-NV gửi giám đốc các BV, sở y tế các tỉnh, thành đề nghị tổ chức, sàng lọc, phân luồng phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc ho gà, đặc biệt là bệnh nhi khu vực các tỉnh phía Bắc; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cần thiết phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị; phối hợp với y tế dự phòng trong việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. NINH GIANG THÀNH SƠN